Từ năm 1995 đến nay, tình hình nuôi trồng và khai thác thủy sản ở nước ta có sự tăng trưởng vượt bậc, với nhiều loại hình như lồng bè, ao hồ, nhà kính,…từ quảng canh, thâm canh đến siêu thâm canh. Điều này tạo ra nhiều áp lực cho ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nhu cầu sử dụng nước lớn và lượng nước thải ra môi trường ngoài gây ô nhiễm nghiêm trọng. Mặt khác, sản lượng phụ thuộc mạnh vào điều kiện tự nhiên và khó kiểm soát mầm bệnh. Nhằm khắc phục những nhược điểm nêu trên, ngành thủy sản đang ứng dụng mô hình nuôi bằng hình thức trong nhà, áp dụng cho các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Đó là nội dung được ThS. Lê Ngọc Hạnh (nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II) trình bày tại buổi hội thảo “Ứng dụng công nghệ xanh - lọc nước tuần hoàn trong nuôi trồng thủy hải sản”, diễn ra chiều ngày 5/11/2020, trong khuôn khổ Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành Công nghệ sinh học 2020, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM tổ chức vào các ngày 5-6/11.
ThS. Lê Ngọc Hạnh giới thiệu hệ thống tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản.
Mô hình nuôi trồng thủy sản trong nhà sử dụng hệ thống tuần hoàn nước, thành phần gồm bể nuôi, thiết bị bổ sung oxy, thiết bị lọc cơ học, thiết bị diệt khuẩn, thiết bị khử CO2, thiết bị lọc sinh học và hệ thống giám sát. Hệ thống giúp hạn chế việc thay nước nhờ tuần hoàn 100% lượng nước thải (chỉ cần bổ sung lượng nước bị hao hụt do bốc hơi), sử dụng các thiết bị lọc cơ học và lọc sinh học để giảm thiểu độc tố ammonia, nitrit.
Hệ thống sử dụng lọc trống (drum filter) có khả năng loại bỏ các hạt chất thải rắn (như phân và thức ăn thừa) có kích thước trên 10µm, chiếm diện tích nhỏ, ít tốn năng lượng, tốc độ lọc nhanh, dễ vệ sinh. Sau khi tách chất thải rắn sơ bộ, nước thải sẽ được chuyển sang xử lý sinh học (biological treatment) bằng hệ thống MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor) – chứa những giá thể để vi sinh vật có lợi phát triển, chủ yếu là 2 chủng vi khuẩn Nitrosomonas và Nitrobacter, là những chủng có sẵn trong tự nhiên. Tại đây, vi sinh vật sẽ xử lý các chất thải hòa tan trong nước, chủ yếu là nguồn nitơ, để nước sạch.
Trong hệ thống này, nguồn CO2 phát sinh từ hô hấp của thủy sản sẽ được tách ra ngoài nhằm đảm bảo sự ổn định của nước. Nước cũng được diệt khuẩn bằng tia cực tím và bổ sung một lượng oxy hòa tan vào nước để đáp ứng nhu cầu hô hấp của thủy sản.
Hệ thống còn có những thiết bị theo dõi trực tuyến các chỉ tiêu chất lượng nước trong suốt quá trình vận hành, bao gồm các bộ camera và cảm biến đo nồng độ.
Theo ThS. Lê Ngọc Hạnh, giá thể dùng trong thiết bị lọc sinh học phải đảm bảo độ bền cao, hiệu quả nhờ di chuyển lơ lửng trong nước, không cố định, đảm bảo vòng tuần hoàn ổn định và không bị nghẹt, nhờ đó vi sinh vật có thể phát triển tốt ở bên trong giá thể. Bên cạnh đó, nhiệt độ trong hệ thống cần giữ ổn định từ 20-330C để vi khuẩn hoạt động tốt. Nhờ vậy, hệ thống tuần hoàn không cần bổ sung những chủng bên ngoài vốn không bền và khó thích nghi.
Việc bổ sung oxy hòa tan trong nước có thể sử dụng những thiết bị hiện đại như máy tạo bọt khí nano VTS-NBG (đang được giới thiệu và trưng bày tại Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành Công nghệ sinh học 2020), để tăng hiệu quả sử dụng và tiết kiệm điện năng.
Nhờ được nuôi khép kín trong nhà, sử dụng cùng nguồn thức ăn tự nhiên giống như nuôi ở môi trường ngoài, thủy sản được đảm bảo điều kiện sống và phát triển nên trọng lượng và sức khỏe tốt hơn.
Ngoài các loại thủy sản như tôm, cá, hệ thống tuần hoàn cũng có thể sử dụng để nuôi cua biển trong nhà, theo hình thức nuôi riêng từng cá thể. Khi xuất xưởng có thể kiểm tra cụ thể từng con, đảm bảo được chất lượng thủy sản giao cho khách hàng.
Mô hình nuôi cua biển trong nhà ứng dụng hệ thống tuần hoàn.
Hiện nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II đang thử nghiệm nuôi trong nhà ứng dụng hệ thống tuần hoàn đối với một số loài thủy sản vốn chỉ sinh trưởng tốt trong điều kiện tự nhiên.
Doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản hoặc hộ nông dân có nhu cầu kết nối và chuyển giao hệ thống tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản vui lòng liên hệ với Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, 79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM. Điện thoại: (028) 3521.0735 - 3822.1635. Fax: (028) 3829.1957. Email: [email protected]. Mobile: 079.652.3381 (gặp anh Khanh) để được hỗ trợ tốt nhất.
Hoàng Kim (CESTI)