SpStinet - vwpChiTiet

 

JICA hỗ trợ nâng cao năng lực thẩm định sáng chế cho Việt Nam

Từ ngày 12 - 14/8/2020, Cục Sở hữu trí tuệ dã tham gia họp trực tuyến với Văn phòng JICA Việt Nam, JICA Nhật Bản và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) nhằm xây dựng nội dung cho dự án ODA mới dự kiến triển khai vào Quý I năm 2021. Đây là cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến thay vì họp trực tiếp giữa 3 bên (JICA - JPO - Cục Sở hữu trí tuệ) để đảm bảo tiến độ xây dựng kế hoạch chi tiết cho dự án mới trong bối cảnh dịch COVID-19 còn nhiều phức tạp.


Phó Cục trưởng Phan Ngân Sơn tham gia họp trực tuyến 3 bên từ đầu cầu Cục Sở hữu trí tuệ

Theo Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Phan Ngân Sơn, trong những năm qua các bên đã có mối quan hệ hệ hợp tác tốt đẹ, thể hiện rõ rệt qua 3 dự án hợp tác kỹ thuật, cụ thể là: (i) Dự án MOIPA “Hiện đại hóa quản trị sở hữu công nghiệp” (2000-2004) với việc thiết lập Hệ thống quản trị đơn SHCN (IPAS) giúp quản lý quy trình từ khi đơn nộp vào đến khi cấp bằng và theo dõi hiệu lực văn bằng bảo hộ mà Cục Sở hữu trí tuệ vẫn đang vận hành cho đến nay; (ii) Dự án UTIPINFO "Ứng dụng thông tin Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam" (2005-2009) với việc phát triển thêm một số ứng dụng trên cơ sở kết quả của Dự án MOIPA, cụ thể là: xây dựng hệ thống tra cứu thông tin SHCN phục vụ quá trình thẩm định đơn của Cục Sở hữu trí tuệ, xây dựng thư viện điện tử IP-Lib phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin SHCN của công chúng và xây dựng hệ thống nộp/nhận đơn điện tử để Cục sẵn sàng sử dụng khi điều kiện cho phép; (iii) Dự án “Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” (tháng 6/2012 - tháng 3/2017) với những kết quả đáng ghi nhận đối với hệ thống thực thi quyền SHTT.

Các dự án hợp tác kỹ thuật 3 bên đã giúp hiện đại hóa hệ thống quản trị SHCN của Cục Sở hữu trí tuệ những năm đầu của thế kỷ 20, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xác lập quyền và thực thi quyền SHTT của Việt Nam, qua đó, nâng cao năng lực cho hệ thống SHTT Việt Nam, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo Phó Cục trưởng Phan Ngân Sơn, một trong những bằng chứng sống động về việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, đó là việc triển khai Chương trình PPH giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản cho phép thẩm định nhanh những đơn sáng chế đã có kết quả thẩm định của Nhật Bản nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Sau 3 năm triển khai Chương trình thử nghiệm PPH giai đoạn 1, hiện hai Cơ quan đang triển khai giai đoạn 2 (2019 - 2022) của Chương trình với hạn mức gấp đôi giai đoạn 1, cụ thể là 200 yêu cầu PPH/năm dành cho Nhật Bản.

Với quan hệ hợp tác tốt đẹp vốn có, với hiểu biết chung về sự cần thiết và tầm quan trọng của hệ thống SHTT hoạt động hiệu quả, JICA đã nhất trí hỗ trợ Cục Sở hữu trí tuệ triển khai một dự án mới trong 2 năm nhằm tập trung nâng cao năng lực thẩm định sáng chế cho Cục. Phát biểu đại diện cho Ban Phát triển kinh tế khu vực tư nhân thuộc JICA Nhật Bản, ông Yamada Tomoyuki bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, số lượng sáng chế của người Việt Nam sẽ tăng trưởng đáng kể, hệ thống SHTT của Việt Nam sẽ hoạt động hiệu quả, chất lượng hơn nữa. Liên quan đến dự án mới, ông Yamada hy vọng JICA sẽ giúp nâng cao năng lực thẩm định sáng chế của Việt Nam.

Sau 3 buổi thảo luận tích cực, JICA, JPO và Cục Sở hữu trí tuệ đã cơ bản thống nhất được kế hoạch chi tiết cho dự án mới với các đầu ra dự kiến gồm: cập nhật quy chế thẩm định sáng chế với việc bổ sung hướng dẫn thẩm định sáng chế thuộc lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật hay lĩnh vực không mới nhưng Việt Nam đang gặp vướng mắc trong thẩm định như phần mềm máy tính; xây dựng bộ công cụ kiểm soát chất lượng thẩm định sáng chế và nâng cao năng lực thẩm định sáng chế cho đội ngũ thẩm định viên của Cục Sở hữu trí tuệ.

Theo kế hoạch, trong tháng 9/2020, đại diện JICA và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ ký thỏa thuận triển khai dự án kèm theo kế hoạch chi tiết dự án và các tài liệu liên quan. Dự kiến Quý I năm 2021, JICA sẽ cử một chuyên gia dài hạn sang Việt Nam hỗ trợ triển khai dự án trong 2 năm tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Nguồn: vista.gov.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả