Ngày 15/10, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm startup với chủ đề “Sản phẩm thảo dược trong bảo vệ đường hô hấp và một số bệnh ngoài da”.
Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) cho biết, hội thảo là một trong ba hình thức triển khai Chương trình Kết nối sản phẩm startup với thị trường, do CESTI thực hiện từ tháng 10/2020.
Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) giới thiệu Chương trình Kết nối sản phẩm startup với thị trường.
Theo đó, ngoài nội dung hội thảo và livestream giới thiệu sản phẩm đến với cộng đồng, sản phẩm của startup còn được giới thiệu trên Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ (Techport.vn), và trưng bày tại Không gian giới thiệu sản phẩm startup đặt tại số 79 Trương Định, Quận 1, TP.HCM (dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 11/2020).
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia ngành y, dược đã giới thiệu các công dụng kháng khuẩn tự nhiên, kháng viêm của một số loại tinh dầu, dùng để phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên cho bà mẹ và trẻ em, và hỗ trợ điều trị một số triệu chứng nhẹ, chưa cần can thiệp bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Những loại tinh dầu này đều được chiết xuất từ nguồn thảo dược và thực vật trong nước, theo quy trình công nghệ của startup AOTANICA.
Theo các chuyên gia, sản phẩm tinh dầu tràm trà hoặc tinh dầu Neem AA của AOTANICA còn có thể hỗ trợ chăm sóc da và điều trị một số bệnh ngoài da, nhờ khả năng điều tiết chất nhờn, giảm viêm, giảm sưng tấy, làm mềm da, ngăn ngừa oxy hóa và chống lão hóa da. Một số bệnh như vảy nến, nấm hay vết thương bệnh tay chân miệng có thể được chữa lành nhanh chóng bằng các sản phẩm phù hợp, mà không gây ra tác dụng phụ.
TS. Lưu Xuân Cường (trái) đang trao đổi cùng đại biểu.
TS. Lưu Xuân Cường (đại diện AOTANICA) cho biết, các công nghệ mà AOTANICA đã nghiên cứu và làm chủ trong quy trình chiết xuất tinh dầu là công nghệ phân tách, công nghệ tinh chế và công nghệ nano hóa. Nhờ đó, có thể tạo ra các sản phẩm thương mại mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng nguyên liệu thô (thường bị ảnh hưởng do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu…của vùng, miền).
“Nghiên cứu dù tốt nhưng phải tìm được thị trường thì nghiên cứu mới có giá trị. Dòng tiền thu được từ thương mại hóa sẽ hỗ trợ nhà nghiên cứu tái đầu tư cho hoạt động R&D.”, ông Lưu Xuân Cường chia sẻ về quan điểm nghiên cứu khoa học của bản thân. Hiện AOTANICA đã thử nghiệm thành công khoảng 12 sản phẩm tinh dầu khác nhau, và đã đưa một số sản phẩm thâm nhập thị trường để thu thập ý kiến khách hàng. Nguồn lực của startup đang giới hạn ở mức tạo sản phẩm dùng thử, đang cần tìm đối tác thương mại để khai thác thị trường.
Một số sản phẩm tinh dầu của AOTANICA.
“Đối với một startup, ngoài việc làm chủ công nghệ thì còn phải tiếp cận và khai thác thị trường. Vì vậy, Chương trình Kết nối sản phẩm startups với thị trường hướng đến hỗ trợ startups thực hiện mục đích này. Việc giới thiệu sản phẩm của startups thông qua các hình thức như hội thảo, livestream và trưng bày sẽ giúp nhiều nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn và khách hàng biết đến, từ đó tạo thành mạng lưới kết nối rộng rãi với thị trường để hỗ trợ đầu tư phát triển – hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy thương mại hóa, nhanh chóng đưa sản phẩm ra phục vụ thị trường.”, bà Bùi Thanh Bằng khẳng định và kỳ vọng AOTANICA sớm tìm được đối tác để đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm.
Là nơi hội tụ trên 10.000 sản phẩm và 1.000 tổ chức, chuyên gia tư vấn, Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (mô hình hoạt động do CESTI vận hành) đang tích cực góp phần vào việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM bằng hình thức kết nối thị trường với các sản phẩm của doanh nghiệp. Bởi vì, dù là doanh nghiệp sản xuất hay doanh nghiệp công nghệ thì đều cần công nghệ để xây dựng và phát triển sản phẩm; nhà đầu tư cần tìm được ý tưởng hay và người tiêu dùng thì mong muốn tìm được sản phẩm mới phù hợp nhu cầu.
Hoàng Kim (CESTI)