Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TP.HCM: Phải chú ý đến sản phẩm, thị trường
11/11/2019
Hoạt động KH&CN
Ngày 7/11, UBND TP.HCM chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học “Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TP.HCM (Nhà nước - Nhà khoa học - Ngân hàng - Doanh nghiệp)”, với mục tiêu thúc đẩy và hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ các ngành công nghiệp chủ lực, gồm: cơ khí - tự động hóa; điện - điện tử; công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; y tế và nông nghiệp.
Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM, khẳng định, trong nhiều năm qua, các chương trình hỗ trợ của thành phố đã tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác các bên với kết quả khả quan. Trên 90% nhiệm vụ KH&CN xuất phát từ yêu cầu đổi mới công nghệ thiết bị, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Chương trình tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên của thành phố, gồm: cơ khí - tự động hóa; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến lương thực thực phẩm; hóa chất nhựa cao su. Từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện được 116 đề tài, dự án với tổng kinh phí đầu tư 204,77 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 161,77 tỷ đồng (chiếm 79%), kinh phí đầu tư từ doanh nghiệp 43 tỷ đồng (chiếm 21%). Có 95 sản phẩm thiết bị, công nghệ hình thành từ các nhiệm vụ của chương trình và đã chuyển giao cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất có chất lượng tương đương với nhập khẩu… Tính từ khi triển khai thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 đến nay, UBND TP.HCM đã thực hiện phê duyệt 281 dự án tham gia Chương trình kích cầu đầu tư, trong đó ở lĩnh vực công nghệ cao có 17 dự án.
Góp phần trong liên kết theo mô hình nói trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định, trong hơn 5 năm qua đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với các biện pháp và hành động cụ thể như tổ chức triển khai thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; Chương trình cho vay bình ổn thị trường; Chương trình cho vay các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp; cho vay kích cầu đầu tư; cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ… Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết đang triển khai 3 chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp khá hiệu quả, gồm: Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng hình thức giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, tăng mức tín dụng, cơ cấu lại kỳ hạn nợ trả nợ; Chương trình cho vay bình ổn thị trường với mức lãi suất thực trả hợp lý và Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn nhằm gắn kết chính sách tiền tệ - tín dụng theo cơ chế thị trường với chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Nhà nước.
Đúc kết hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm khẳng định, chương trình liên kết là hết sức cần thiết, qua đó thấy được tiềm năng của thành phố cũng như những hạn chế còn tồn đọng nên cần tiếp thu các ý kiến, hoàn chỉnh để đưa ra những chính sách tốt hơn. Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cũng lưu ý, khi liên kết các nhà cần chú ý đến sản phẩm, thị trường và chính sách để chương trình góp phần nhiều hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bá Tân