Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng đại diện Bộ KH&CN, các sở ngành, viện trường, doanh nghiệp… cùng 400 khách mời tham dự hội thảo.
Cần nguồn lực và cách quản lý mang tính xuyên suốt
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: “Hội thảo được tổ chức nhằm giúp thành phố tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về kết quả nghiên cứu AI, tìm con đường ngắn nhất để ứng dụng AI trên diện rộng. Những kết quả của hội thảo là cơ sở quan trọng để TP.HCM xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI, thành lập trung tâm AI trong thời gian tới, cũng như tiếp nhận thông tin đa chiều xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI”.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, TP.HCM với vai trò là một đô thị đặc biệt, trung tâm nhiều mặt của cả nước, cửa ngõ của hội nhập, từ năm 2015 thành phố đã đưa các dự án ứng dụng AI vào chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất với mức cho vay mỗi dự án 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, việc ứng dụng AI vào sản xuất, đời sống còn chậm, thậm chí còn kém so với các đô thị trên thế giới. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nguồn lực chưa sẵn sàng đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển ứng dụng AI trên địa bàn thành phố.
Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Việt Dũng
Do đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, thành phố đang từng bước trở mình trở thành một siêu đô thị và mong muốn đem đến cho người dân những tiện ích mới, trong đó AI là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu này. Lãnh đạo thành phố mong muốn cùng trao đổi, lắng nghe góp ý, hiến kế, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng AI.
Tại hội thảo, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng: “AI có thể là giải pháp cho một số thách thức nếu có môi trường thuận lợi và phù hợp. Các doanh nghiệp và thành phố thông minh sẽ có cơ hội thành công nếu biết cách nắm bắt AI. AI cần phải là một công cụ để phục vụ con người”. Ông Ousmane Dione nhấn mạnh 3 yếu tố chính đảm bảo thành công của AI cho TP.HCM: Thứ nhất, cần đặt kỳ vọng một cách rõ ràng và thực tế về các lĩnh vực (ở đâu) và cách thức áp dụng AI (như thế nào) cho thành phố. Thứ hai, đảm bảo môi trường thuận lợi cho AI thành công trên thực tế, đặc biệt liên quan đến vấn đề truy cập và tích hợp dữ liệu cần thiết để giải quyết các thách thức của thành phố. Cuối cùng, cần đảm bảo rằng chúng ta hiểu và quản lý mọi rủi ro chính liên quan đến AI.
“Tôi muốn khẳng định rằng TP.HCM có nhiều tiềm năng trong việc nắm bắt cơ hội AI một cách có nguyên tắc và kỷ luật để đạt được kết quả cuối cùng. Nhưng nếu không cung cấp đủ nguồn lực và quản lý các sáng kiến quan trọng mang tính xuyên suốt thì không có gì đảm bảo được thành công đó. Các thuật ngữ như Thành phố thông minh, Kinh tế số, AI cần trở thành những kết quả cụ thể và lý tưởng nhất là mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống của người dân. Ngân hàng Thế giới cam kết luôn sẵn sàng đồng hành cùng TP.HCM trong hành trình này”, ông Ousmane Dione khẳng định.
Nhiều khuyến cáo đáng quan tâm
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), cho rằng, cơ hội tham gia vào hệ sinh thái AI và IoT (kết nối vạn vật không dây) của thế giới yêu cầu sự tập trung cao độ vào một số phân khúc thị trường phù hợp, đặc biệt trong hoàn cảnh thiếu thốn tài nguyên và con người như Việt Nam. Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ nói riêng và AI nói chung thường mang tính chất tất cả cho người chiến thắng, nghĩa là chúng mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty dẫn đầu, và thấp hơn hẳn cho các công ty đi sau. Còn theo TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu AI của VinGroup (VinAI Research), hiện công tác nghiên cứu AI chưa được coi trọng đúng mức. Điều này dẫn đến việc hầu như không thể thu hút các nhân tài AI về làm việc tại Việt Nam, do phần lớn những người đi đầu trong lĩnh vực này đều muốn làm một công việc có tính chất nghiên cứu và sáng tạo cao. Việc này là một rào cản rất lớn cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam về AI trên tầm quốc tế.
“TP.HCM đặt ra mục tiêu hình thành hệ sinh thái AI, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu phát triển với doanh nghiệp triển khai và dưới sự lãnh đạo, khuyến khích, đặt hàng từ chính quyền, các sở ban ngành. Để thực hiện điều đó, thành phố và các bên hữu quan cần nhận dạng thực trạng và các tiền đề quan trọng về nguồn lực KH&CN, nhu cầu thị trường cũng như khả năng triển khai ứng dụng sau nghiên cứu và trong đó tăng cường tập trung ươm mầm tiềm năng AI quốc gia, phát triển nhân tài và từng bước hoàn chỉnh hệ sinh thái AI đã đề ra”, PGS.TS. Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, đề xuất.
PGS.TS. Phạm Trần Vũ, Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết trường đang triển khai rất nhiều hoạt động nghiên cứu, phát triển nhiều ứng dụng khác nhau trong lĩnh vực AI, tuy nhiên các nghiên cứu còn ở quy mô nhỏ lẻ, ít nhiều còn khoảng cách với thực tế. Để giải quyết các vấn đề này, ông cho rằng cần giải quyết các thách thức gồm: nguồn dữ liệu, sự tham gia của các chuyên gia thuộc lĩnh vực ứng dụng; hệ thống tính toán song song nhiều lõi là bắt buộc cho AI và học sâu…
Có ý kiến cho rằng đối với TP.HCM, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần đưa ra được một chính sách nhất quán và quyết liệt nhằm đưa ngành công nghiệp AI và các ứng dụng liên quan phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều này, TP.HCM cần nhanh chóng xác định được mục tiêu của mình, đầu tư vào các ứng dụng này nhằm thúc đẩy khả năng tại các ngành công nghệ và khoa học có ảnh hưởng lớn tới sự thành công của các công nghệ AI. Việc tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao này là tối quan trọng, trong bối cảnh nhân lực AI đang thiếu trầm trọng ở mức độ toàn cầu. Bên cạnh đó, cần đưa ra được các chính sách nhằm phát triển một số ứng dụng có tầm quan trọng tới an ninh quốc phòng của Việt Nam.
Tiến đến xây dựng Trung tâm AI của TP.HCM
Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã cảm ơn ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, vì đã nhiều năm liền đồng hành với thành phố trong các chương trình phát triển TP.HCM và cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia đã tích cực đóng góp ý kiến cho hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ nay đến cuối năm, TP.HCM nghiên cứu triển khai Chương trình Ứng dụng, nghiên cứu và phát triển AI TP.HCM giai đoạn 2020-2030. Trong đó, Ban Chỉ đạo về Đô thị thông minh cũng làm luôn chức năng Ban Chỉ đạo AI, nhưng cần lập thêm Hội đồng tư vấn về AI với các chuyên gia trong và ngoài nước. Thành phố cần chương trình làm việc với các nhóm chuyên gia để phản biện hoàn chỉnh, đồng thời xin ý kiến của các bộ ngành trung ương, bởi đây cũng là một phần của Chương trình Quốc gia. TP.HCM cần hệ thống lại kế hoạch và chiến lược quốc gia về AI của khoảng 10 nước để từ đó so sánh lại các mục tiêu, giải pháp tìm sự thống nhất của các nước cũng như các ưu tiên riêng để từ đó có mục tiêu cụ thể, giải pháp thực hiện. Phải xây dựng mô hình hệ sinh thái, trước hết là hệ sinh thái AI của thành phố. Hệ sinh thái này phải “tự nuôi dưỡng”, đào tạo nhân lực tại chỗ, có cơ sở nghiên cứu giải quyết nhiệm vụ; cung cấp giải pháp thương mại hóa ngay tại thành phố, phục vụ người dân và chính quyền.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra, hệ sinh thái AI của thành phố phải kết nối với chức năng tương tự của cả nước; tham gia vào hệ sinh thái toàn cầu, tận dụng khả năng đào tạo, nghiên cứu quốc tế giúp cho mình. Do vậy, xây dựng hệ sinh thái AI của TP.HCM là cái lõi, góp phần xây dựng và phát huy hệ sinh thái AI của Việt Nam và thế giới. “Phải có Đề án số hóa của thành phố, tài nguyên về hồ sơ nhà nước, hồ sơ dữ liệu của các ngành. Đây là việc phải làm nhanh, làm ngay để có thể nghiên cứu, để AI có dữ liệu”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Trước khi kết thúc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân còn đề nghị thành phố cụ thể cấu phần đào tạo nhân lực cho AI, bên cạnh kết hợp với các nơi khác, tổ chức trình độ đại học ngay từ đầu tại thành phố theo phương châm “đại học chia sẻ”, đó là các phòng thí nghiệm, các khoa AI phối hợp lại làm chương trình đào tạo về AI; chương trình bổ túc AI; chương trình đào tạo phổ cập cho cán bộ… “Góp phần cùng cả nước xây dựng hệ tri thức người Việt; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, kết quả nghiên cứu, nhất là về AI; đồng thời, cần nghiên cứu hình thành Trung tâm nghiên cứu AI của thành phố, có thể ưu tiên đặt tại Đại học Quốc gia TP.HCM”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.
Ngày 25/9, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, UBND TP chấp thuận chủ trương thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ một số công tác quản lý về GTVT trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thời gian thí điểm 6 tháng, kể từ khi lắp đặt hoàn thành và triển khai ứng dụng thực tế. Toàn bộ chi phí tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian thí điểm do Liên danh Công ty TNHH Công nghệ và giải pháp CMC, Công ty Cổ phần Đầu tư ITEK và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Phát chi trả. UBND TP giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xem xét, thẩm tra đầy đủ các vấn đề về kỹ thuật liên quan đến hệ thống thiết bị có ứng dụng AI nêu trên trước khi triển khai lắp đặt, đảm bảo yêu cầu về bảo mật thông tin, khả năng tích hợp trong tương lai và phù hợp với đề án “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI tại thành phố giai đoạn 2019-2025”.
Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi, hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương thí điểm nêu trên; tổ chức đánh giá kết quả thí điểm sau khi kết thúc, báo cáo UBND TP quyết định.
Quốc Hùng
|
Bá Tân