SpStinet - vwpChiTiet

 

Nhiều hoạt động hỗ trợ mới cho khởi nghiệp và ứng dụng công nghệ

Ngày 17/5, Saigon Innovation Hub (SIHUB) tổ chức buổi “Đối thoại công nghệ và thị trường” dành cho giới doanh nghiệp và truyền thông, nhằm giới thiệu những hoạt động hỗ trợ mới của SIHUB và các đối tác (giai đoạn 2019 – 2020) dành cho cộng đồng về ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) của Sở KH&CN TP.HCM.

Cụ thể, SIHUB giới thiệu về không gian sáng tạo và thực nghiệm, bước đầu được hình thành, dành cho startup, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, học sinh – sinh viên và thanh thiếu niên (kể cả thanh thiếu niên thiệt thòi, có hoàn cảnh khó khăn). Đối tác triển khai chính của nội dung này là Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF). Bên cạnh các khu vực tổ chức sự kiện, khu vực làm việc chung,  từ năm 2019, không gian sáng tạo và thực nghiệm sẽ mở thêm StudioLab (hỗ trợ các dịch vụ quay clip giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, chụp ảnh mẫu sản phẩm, quay các video bài giảng online…); Maker Space (khu vực chế tạo mẫu thử nghiệm – với nhiều thiết bị công nghệ phục vụ cho việc chế tạo mẫu); Open Lab (xưởng sản xuất thực nghiệm – diện tích 1200 m2 với nhiều thiết bị hiện đại để sản xuất và hoàn thiện sản phẩm);…

Ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc SIHUB) giới thiệu về các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ảnh: LV.

Theo bà Marianne Ohler (phụ trách Văn phòng UNICEF tại TP.HCM), không gian sáng tạo và thực nghiệm là một phần trong những nỗ lực của UNICEF nhằm hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em do UNICEF hỗ trợ TP.HCM trong chương trình hợp tác giữa UNICEF và TP.HCM giai đoạn 2017-2021. Trong mối quan hệ hợp tác, UNICEF và SIHUB giới thiệu những mô hình sáng tạo dành cho thanh thiếu niên để hỗ trợ các em hình thành những kỹ năng tương lai (kỹ năng thế kỷ 21), tăng cường kiến thức và kỹ năng bản thân, qua đó phát triển những ý tưởng sáng tạo, giúp ích cho xã hội. Các mô hình, dự án hợp tác đang trong quá trình thử nghiệm, do đó cần thêm sự góp sức của các tổ chức khác trong xã hội nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho các em phát huy ý tưởng, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc điều hành SIHUB) chia sẻ, với sứ mệnh xây dựng nên một cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để hòa nhập cùng nền kinh tế thế giới, SIHUB luôn cố gắng mang lại giá trị mới cho cộng đồng, nhất là vun đắp nên thế hệ trẻ sáng tạo, vượt qua các lối mòn trong tư duy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, xứng đáng là những tác nhân tạo nên sự thay đổi tích cực cho xã hội.

Bên cạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ là hoạt động chủ đạo của SIHUB trong nhiều năm qua, từ năm 2019, SIHUB liên kết với các trường, viện trong và ngoài nước để xây dựng mô hình trung tâm chuyển giao công nghệ và cổng thông tin chuyển giao công nghệ quốc tế và Việt Nam, từ đó, giúp gia tăng chất lượng công nghệ cho doanh nghiệp Việt. SIHUB cũng liên kết với đối tác Hàn Quốc xây dựng trung tâm nghiên cứu và đào tạo in 3D tại Việt Nam. Đặc biệt, SIHUB luôn quan tâm hỗ trợ việc khai thác tài sản nghiên cứu trong trường đại học. Một thực tế gần đây cho thấy, trong khoảng 50 kết quả nghiên cứu của các trường đại học trình bày trước các nhà đầu tư, rất nhiều sản phẩm giá trị, có thể được đầu tư lên đến hàng triệu USD, nếu không vướng về sở hữu trí tuệ. Do đó, trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ trường đại học, vấn đề cần được nhận thức đúng trước hết là làm chủ được tài sản trí tuệ, và việc khai thác các tài sản này làm cho thị trường công nghệ phong phú hơn.

Phần tọa đàm đối thoại với nhiều gợi mở giải pháp cho thị trường, ứng dụng công nghệ. Ảnh: LV.

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến gợi mở về các giải pháp cho thị trường công nghệ như vai trò của đầu tư tài chính, tổ chức trung gian (tư vấn, môi giới, định giá công nghệ), định hướng thị trường, làm sao để tạo ra lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp bằng công nghệ,… Thực tế, thị trường Việt Nam chưa có những giao dịch lớn bởi doanh nghiệp chưa tạo được lợi thế cạnh tranh (càng lâu càng tốt) bằng công nghệ. Ngoài ra, với các kết quả nghiên cứu từ trường đại học, việc huấn luyện kỹ năng kinh doanh, làm chủ sản phẩm nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mức nên đa phần các kết quả nghiên cứu dù có giá trị vẫn chưa được khai thác thương mại hóa. Do vậy, cần có những định hướng, góc nhìn đúng về thị trường để các nhà nghiên cứu, startup tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí xã hội; đồng thời những không gian như SIHUB là công cụ hữu ích để kết nối việc ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hoàn thiện phát triển sản phẩm startup,…

Ký kết biên bản hợp tác giữa SIHUB và các đơn vị doanh nghiệp. Ảnh: LV.

Các đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, những giải pháp, nghiên cứu về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp có thể tạo ra giá trị cho xã hội sẽ được các nhà đầu tư quan tâm mạnh mẽ.

Cũng tại buổi đối thoại, SIHUB đã ký kết biên bản hợp tác với các đơn vị và doanh nghiệp (Công ty Thép Việt, Hội Tin học TP.HCM, Công ty hạ tầng viễn thông CMC) nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trên địa bàn TP.HCM; ký kết hợp tác với các trường đại học (ĐH Bách Khoa, ĐH Công nghiệp Thực phẩm, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Công nghiệp TP.HCM) nhằm khai thác tối đa hệ thống hạ tầng thiết bị (Open Lab), tạo không gian kết nối doanh nghiệp, trường đại học, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả