ICCSE 2019 có sự tham gia của những nhà khoa học đầu ngành, có uy tín trên thế giới trong các lĩnh vực lý sinh học và y học tính toán, hóa học tính toán, vật liệu, toán học ứng dụng và khoa học tính toán môi trường như GS.TS. Nguyễn Văn Thanh Vân (Đại học McGill, Canada); GS.TS. Yuko Okamoto (ĐH Nagoya University, Nhật Bản); GS.TS. Hồ Tú Bảo (Viện JAIST - Nhật Bản, Viện Toán cao cấp và Viện John von Neumann - Việt Nam).
Các diễn giả chính tại ICCSE 4
Với 3 chủ đề chính là Lý – sinh học tính toán và thiết kế thuốc (Computational Biophysics and Medicine); Hóa học tính toán và vật liệu (Computational Chemistry and Materials); Tài nguyên nước và biến đổi khí hậu (Water resources and Climate change), ICCSE IV quy tụ hơn 50 báo cáo nghiên cứu trình bày trong 2 ngày cùng 59 báo cáo nghiên cứu triển lãm poster tại hội thảo.
GS. Hồ Tú Bảo trình bày chuyên đề về AI, học máy và nghiên cứu khoa học. Ảnh: LV.
Các chuyên gia đầu ngành đã có 3 bài trình bày chính trong ngày 25/7 gồm AI, học máy và nghiên cứu khoa học (GS. Hồ Tú Bảo); Các phương pháp lấy mẫu không gian cấu hình cho mô phỏng cổ điển và lượng tử (GS. Yuko Okamoto); Liên kết biến đổi khí hậu với ngập lụt đô thị và thiết kế cơ sở hạ tầng nước đô thị: những tiến bộ trong mô hình hóa các quá trình mưa cực đoan trên diện rộng theo không gian và thời gian (GS. Nguyễn Văn Thanh Vân).
Triển lãm poster tại ICCSE 2019. Ảnh: LV.
Phát biểu khai mạc ICCSE 4, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, trong những năm vừa qua, ICST đã thu hút các chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều quay trở về đóng góp, xây dựng thành phố theo đúng định hướng của UBND TP.HCM và đạt được nhiều kết quả khởi sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế đối với lĩnh vực y – sinh học, hóa học,… Kỳ vọng trong thời gian tới, ICST không chỉ đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản mà còn tiếp tục quan tâm giải quyết các bài toán cấp bách khác gắn liền với mục tiêu phát triển của Thành phố như chống ngập, kẹt xe, giảm ô nhiễm và các bài toán ứng dụng trong kinh tế - xã hội.
Chương trình hội thảo ICCSE 2019 cho thấy sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo, máy học và ứng dụng của công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ giải quyết nhiều bài toán ngày càng phức tạp, tạo ra nhiều cơ hội mới trong ngành khoa học tính toán, cũng như sự quan tâm đến các vấn đề nóng của thế giới và ở Thành phố hiện nay đối tài nguyên nước và biến đổi khí hậu. Hy vọng các cuộc thảo luận tại hội thảo sẽ tiếp tục mở ra nhiều hướng nghiên cứu tiếp cận với các ứng dụng cụ thể để mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển của Thành phố.
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) phát biểu tại ICCSE 2019.
Chia sẻ về hoạt động của ICST nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, ông Nguyễn Kỳ Phùng (Viện trưởng ICST) cho biết, hiện nay Viện có 40 cán bộ, nhân viên, nghiên cứu viên; cộng tác thường xuyên với 6 giáo sư Việt kiều và người nước ngoài, thu hút nhiều tiến sĩ, nghiên cứu viên cao cấp từ các đơn vị trường, viện trong và ngoài nước thường xuyên hợp tác và làm việc. Viện cũng là một trong những thành viên tích cực của mạng lưới PRAGMA, một hiệp hội nghiên cứu đa quốc gia gồm hơn 40 trung tâm, viện nghiên cứu trong khu vực Thái Bình Dương. Một số dấu ấn qua 10 năm Viện đạt được có thể kể đến: số lượng nhiệm vụ KH&CN được triển khai từ 2009 đến 2018 là 116 nhiệm vụ với tỉ lệ hoàn thành và nghiệm thu các nhiệm vụ đạt trên 90%. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, Viện đã tiếp nhận và tổ chức xét duyệt 20 nhiệm vụ. Tính đến nay, các nhà khoa học, nghiên cứu viên của ICST đã công bố trên 240 bài báo trên tạp chí uy tín quốc tế (SCI, SCIE). Đặc biệt riêng trong 7 tháng đầu năm 2019 đã công bố 28 bài báo quốc tế, tương đương 80% số bài công bố trong cả năm 2018.
Ngoài ra, ICST đã triển khai một số nhiệm vụ định hướng ứng dụng phục vụ sự phát triển của thành phố và bước đầu thu được kết quả bước đầu rất khả quan như nhiệm vụ Xây dựng hệ thống dự báo chất lượng không khí vùng TP.HCM (Phát triển phầm mềm dự báo chất lượng không khí và bản tin dự báo chất lượng không khí vùng TP.HCM, Xây dựng WEBGIS tính toán chỉ số chất lượng nước và chất lượng không khí TP.HCM); nhiệm vụ Phát triển hệ thống hỗ trợ tự động tạo biên bản cuộc họp sử dụng công nghệ nhận dạng tiếng nói (với sản phẩm là một phần mềm ứng dựng thử nghiệm cho các cuộc họp Quốc hội);…
Định hướng trong tương lai, ICST sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển, đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu, mở rộng tầm phát triển nghiên cứu toàn diện với chú tâm đặc biệt cho những khía cạnh có tiềm năng triển khai ứng dụng. Cụ thể là tiếp tục thu hút nguồn nhân lực cao cấp, tăng cường số đề tài nghiên cứu mang tính quốc tế hướng đến các bài báo uy tín, tiếp tục tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế chất lượng, nâng cao hơn nữa danh tiếng cho Viện. Đồng thời sẽ triển khai xây dựng, thương mại hóa các sản phẩm phần mềm công nghệ tính toán trong các lĩnh vực có thế mạnh như y – sinh, hóa học tính toán, tính toán môi trường để có thể phát triển bền vững với mô hình độc lập hoạt động, tự chủ tài chính.