Sự kiện do Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) chủ trì, phối hợp với Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia (NBC) và Tổ chức Năng suất châu Á - APO tổ chức, diễn ra từ ngày 7-11/10/2019 tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện 15 quốc gia thành viên của APO.
Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ thông minh và ứng dụng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm tại các quốc gia thành viên.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao hoạt động thường niên của Tổ chức năng suất châu Á - APO đóng vào sự phát triển kinh tế - xã hội các nền kinh tế thành viên thông qua các hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Ông cũng cho biết thêm, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, với vai trò đơn vị quản lý Nhà nước, cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đánh giá sự phù hợp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ và truy xuất nguồn gốc.
Ông Linh cho biết, bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041 đã được Việt Nam ban hành năm 2017, đưa ra tiêu chuẩn chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; trồng trọt; chăn nuôi và yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ. Việc xây dựng hạ tầng chất lượng để hỗ trợ các hợp tác xã và người dân trong sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cũng được thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản
(Bộ NN&TPNT) khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp
bền vững, trong đó có nông nghiệp hữu cơ.
Đại diện Bộ Nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết, sản xuất hữu cơ là một xu hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm, trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Trong những năm gần đây, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách cũng như triển khai các chương trình cấp quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Hội thảo lần này sẽ là cơ hội để các nước thành viên chia sẻ lẫn nhau về kinh nghiệm phát triển nông nghiệp hữu cơ thông minh và các ứng dụng truy xuất nguồn gốc đã triển khai thành công tại các quốc gia, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp trong khu vực.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Canada, Thụy Sĩ và Ấn Độ, có các bài chia sẻ chuyên sâu về lĩnh vực nông nghiệp và truy suất nguồn gốc, bao gồm:
PGS.TS. Andrew Markus Hammermeister – Đại học Dalhousie University (Canada), trình bày về “Các khái niệm cơ bản và xu hướng của việc ứng dụng công nghệ nông nghiệp hữu cơ thông minh”.
Tiến sĩ Christian Schader – Viện nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (Thụy Sĩ), trình bày về “Ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh vào trang trại sản xuất hữu cơ”.
Ông Sandeep Bhargava – CEO – Tổ chức chứng nhận Onecert International (Ấn Độ), trình bày “Hệ thống truy xuất nguồn gốc thông minh trên nền tảng web ứng dụng trong xuất nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ được phát triển các tổ chức USDA, EU và cơ quản lý của Ấn Độ.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện 15 quốc gia thành viên APO.
Bên cạnh đó, đại diện 15 quốc gia, trong đó có Đài Loan (Trung Quốc), Bangladesh, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ, Việt Nam, … có bài chia sẻ về công nghệ sản xuất tiên tiến đã được áp dụng thành công trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ thông minh tại các quốc gia.
Trong khuôn khổ hội thảo, nhóm chuyên gia đến thăm quan và làm việc tại khu vực trồng chè nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Thế hệ mới Phú Thọ. Với định hướng của công ty là canh tác chè theo hướng hữu cơ làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm chè hữu cơ, nhóm chuyên gia đưa ra những nhưng góp ý cải tiến về quy trình quản lý cũng như kỹ thuật canh tác hữu cơ nhằm giúp công ty tiếp tục hoàn thiện và thành công với định hướng hữu cơ trong tương lai.
Tổ chức năng suất châu Á (Asian Productivity Organization - APO) là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế duy nhất tại khu vực châu Á Thái Bình Dương trong lĩnh vực nâng cao năng suất, được thành lập vào ngày 11/05/1961 với vai trò là một tổ chức liên chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực châu Á Thái Bình Dương thông qua nâng cao năng suất.
Ba định hướng chiến lược chính của APO là: Tăng cường năng lực của các Tổ chức năng suất quốc gia thành viên APO (National Productivity Organization - NPOs) và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cộng đồng; Xúc tác cho sự dẫn đầu trong đổi mới tăng trưởng năng suất; Thúc đẩy năng xuất xanh.
Các hoạt động chính của APO là xây dựng năng lực của các tổ chức và phát triển nguồn nhân lực. Tầm nhìn của APO đến năm 2020, trở thành tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực nâng cao năng suất, làm cho nền kinh tế APO trở nên hiệu quả và cạnh tranh hơn. APO hiện có 20 nền kinh tế thành viên là: Ấn Độ, Campuchia, Bangladesh, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong, Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Nhật Bản, Pakistan, Fiji, Philippines, Singapore, Thái Lan, Sri Lanka và Việt Nam.
Việt Nam chính thức trở thành thành viên APO từ ngày 1/01/1996 dưới sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được ủy quyền là đại diện thường trực của Việt Nam tại APO với đầu mối tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của APO, dự án song phương với các Tổ chức năng suất quốc gia thành viên APO.
Bảo Anh