Tại Hội thảo “Smart Logistics: Cơ hội và thách thức” do Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty UBM - SES Việt Nam tổ chức ngày 13/6 tại TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam cho biết, Việt Nam đang có lợi thế sở hữu nhiều hệ thống cảng biển, kho bãi để có thể đáp ứng tốt cho dịch vụ logistics, nhất là các cảng biển đã được đầu tư, xây dựng quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải hơn 1.000 tấn,…
Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Singapore và Thái Lan. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành logistics tăng trưởng hàng năm từ 15-20%; đóng góp vào GDP khoảng 8-10%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics khoảng 50-60%. Thị phần logistics tại Việt Nam do các công ty nước ngoài nắm giữ gần 13%. Vì vậy, cơ hội phát triển trong ngành logistics của Việt Nam còn rất nhiều.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN
Đặc biệt, ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. “Quyết định này đã thực sự tạo hành lang định hướng phát triển ngành logistics trong tình hình mới, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến có tiềm năng ứng dụng nhanh vào thực tiễn” - ông Cường nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, TS. Ngô Văn Nhơn - Chủ tịch Hội Chất lượng TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp logistics Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thị trường và đang dừng ở việc cung cấp dịch vụ cho một số công đoạn ban đầu của chuỗi dịch vụ logistics. Tuy nhiên, những dịch vụ cung cấp này còn đơn lẻ, chưa có tính tích hợp cao, chỉ một vài công ty logistics lớn có chuỗi dịch vụ khép kín. “Sự không đồng bộ của cơ sở hạ tầng, luật pháp chưa rõ ràng và không đồng nhất đã hạn chế sự phát triển của ngành logistics” - TS. Nhơn chia sẻ.
PGS.TS. Nguyễn Duy Anh - Phó Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM
PGS.TS. Nguyễn Duy Anh - Phó Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, doanh nghiệp logistic Việt Nam hầu hết chỉ làm các chuỗi cung ứng nhỏ như: giao hàng, lưu trữ cho thuê, khai báo tùy chỉnh, thu thập các gói trong cảng và bến cảng. Hoạt động quốc tế vẫn phụ thuộc vào các doanh nghiệp đa quốc gia. Trong khi đó, chi phí logictis tại Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP mỗi năm, cao hơn nhiều hơn ở Trung Quốc hay Thái Lan.
Theo TS. Anh, 75% công nhân và nhân viên trong ngành logisctics không đủ điều kiện về kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Phần lớn công nhân trong các doanh nghiệp vẫn được đào tạo thông qua công việc hàng ngày, chỉ một số ít doanh nghiệp thuê chuyên gia nước ngoài. “Thực trạng này là do các cơ sở đào tạo còn thiếu giáo viên được đào tạo bài bản về logisctics, thiếu cơ sở vật chất cho sinh viên. Các chương trình không được xây dựng theo tiêu chuẩn, không có đầu ra rõ ràng và thiếu hợp tác quốc tế để mở rộng các hoạt động giáo dục” - TS. Anh nói và cho biết, Việt Nam cần khoảng 720.000 nhân viên logistics có trình độ trong 15 năm tới. Vì vậy, cần phải mở rộng và nâng cấp chất lượng của các chương trình giáo dục hiện tại, xây dựng chương trình quốc tế. Đồng thời, tạo liên kết giữa các trường đại học và các công ty logistics để nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Để thúc đẩy ngành logistics, theo TS. Nhơn, các địa phương nên đầu tư tích cực hơn nữa về hạ tầng để kết nối giữa các cảng và các trung tâm logistics. Đồng thời, liên kết với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, tổ chức tư vấn trong nước và nước ngoài chuyên nghiệp về logisctics để cung cấp cho doanh nghiệp các phần mềm quản trị hiện đại, các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến.
Kiều Anh