SpStinet - vwpChiTiet

 

Tạo sức bật cho startup

TP.HCM vừa công bố “Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2019” (WHISE 2019), sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 19-10, bao gồm các hội thảo, tọa đàm, sự kiện khởi nghiệp; cuộc thi và tôn vinh những tổ chức, cá nhân đóng góp cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM. 

Nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua các sự kiện khởi nghiệp  đổi mới sáng tạo
Nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tìm những startup giá trị cao

WHISE là sự kiện lớn của hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại TP.HCM, được tổ chức hàng năm dưới sự chủ trì của UBND TP.HCM. WHISE 2019 có sự tham dự của 120 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế đến từ Hàn Quốc, Ireland, Thụy Điển, Thái Lan, Singapore... với các sản phẩm thuộc lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ cao, công nghệ in 3D, công nghệ sinh học… Đây cũng là nơi tập hợp hàng loạt sự kiện về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM, cũng như những vấn đề mới nhất liên quan đến vai trò của ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong xây dựng và phát triển thành phố đổi mới sáng tạo và đô thị thông minh.

Với chủ đề “Hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, WHISE 2019 còn tổ chức triển lãm sản phẩm và công nghệ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế; dự kiến thu hút 150 gian hàng của các startup cùng nhiều chuyên gia, nhà đầu tư của Việt Nam và quốc tế.

Ở mùa trước, nằm trong “Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2018”, giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM đã tìm ra những startup thiết thực như Công ty Cổ phần Vé xe rẻ, Công ty TNHH FreelancerViet và Công ty Cổ phần EKID Studio. Những công ty này được nhận giải I-Star 2018 cho hạng mục “Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Sản phẩm công nghệ WEBGIS của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM và Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, xử lý trật tự lòng lề đường trên địa bàn quận Bình Thạnh nhận giải I-Star 2018 cho hạng mục “Giải pháp đổi mới sáng tạo”… là các startup mà đến nay vẫn hoạt động, phát triển tốt, tạo nên những giá trị cho doanh nghiệp lẫn cộng đồng.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, nhận xét: “Giải thưởng I-Star 2018 là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng kết quả nghiên cứu phát triển vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết các vấn đề của cộng đồng, tạo ra những đột phá mới cho sự tăng trưởng bền vững của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung”.

Với những kết quả đạt được từ năm trước và kỳ vọng vào Whise 2019 sắp diễn ra, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho rằng WHISE 2019 là dịp giúp các nhà quản lý và cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đánh giá lại những kết quả đạt được từ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong thời gian vừa qua. Từ đó, các cá nhân, đơn vị sẽ có những hiến kế để TP.HCM tiếp tục thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong thời gian tới, cũng như tiếp tục tìm thấy những startup có giá trị cao.

Khắc phục hạn chế

Trong bối cảnh TP.HCM gia tăng các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thì phân tích của Austrade, cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của chính phủ Australia, trong một báo cáo mới đây về tốc độ phát triển của khởi nghiệp tại Việt Nam đã nhận định: TP.HCM là “ngôi nhà” của gần 50% các startup trong nước và là địa phương đóng góp quan trọng cho nền kinh tế sáng tạo, năng động và phát triển nhanh nhất ở châu Á. Bối cảnh khởi nghiệp sôi động gần đây tại Việt Nam không chỉ thúc đẩy một lớp doanh nhân địa phương mới, mà còn thu hút số lượng lớn người nước ngoài muốn thâm nhập vào đất nước có tiềm năng tăng trưởng và lực lượng lao động công nghệ thông tin (CNTT) lành nghề. Theo Sở KH&CN TP.HCM, công ty khởi nghiệp công nghệ được chia thành các lĩnh vực sau: CNTT (41,1%), nông nghiệp ứng dụng công nghệ (20,13%), công nghệ giáo dục (16,11%), IoT (9,4%), chế biến thực phẩm (6,71%), du lịch (3,36%) và công nghệ tài chính (0,67%).

Các số liệu vừa công bố cho thấy, số lượng startup của Việt Nam tăng từ 400 vào năm 2012, lên gần 1.800 vào năm 2015, 3.000 trong năm 2017 và hiện nay đã vượt qua con số 3.000. Vốn đổ vào các startup Việt đã tăng 3 lần trong giai đoạn 2016-2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD (theo Topica Founder Institute). Austrade cho rằng, vốn nước ngoài được chào đón, các quỹ đầu tư mạo hiểm và tổ chức công nghệ quốc tế đang phát triển là tín hiệu tốt cho hoạt động khởi nghiệp.

Theo Austrade, với khởi nghiệp, không phải không còn những hạn chế, như các công ty khởi nghiệp địa phương có quy mô nhỏ, ở giai đoạn hạt giống, khả năng tạo ra bước đột phá hạn chế và cần được ươm tạo thêm, khả năng tiếp cận tài chính còn thấp. Không nhiều doanh nghiệp trong số này được trang bị các kỹ năng cần thiết để phát triển mô hình kinh doanh bền vững, hoặc để phù hợp với các dự án; do đó nhiều công ty khởi nghiệp địa phương khá hạn chế để kết nối với hệ sinh thái khu vực… Chính vì vậy, các hoạt động như WHISE hàng năm do UBND TP.HCM chủ trì, hay hoạt động của các đơn vị khác như Topica Founder Institute (Chương trình huấn luyện khởi nghiệp tại Việt Nam và Thái Lan do Topica Edtech Group và Founder Institute cùng phối hợp tổ chức); Vietnam Startup Day (Thành Đoàn TP.HCM tổ chức)… còn được xem như những hoạt động “nâng chất” cho chính startup nói riêng và tạo sức bật cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM nói chung.

Bá Tân

Nguồn: sggp.org.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả