Hội thảo do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (DONRE) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) và các chuyên gia trong Mạng lưới không khí sạch (VCAP) tổ chức vào ngày 28/7 nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu sơ bộ và cập nhật tiến trình trong việc cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội.
5 kết quả nghiên cứu nổi bật được trình bày tại hội thảo bao gồm:
• Nghiên cứu ONKK thời kì Covid: Một nhóm các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, Sở TN&MT Hà Nội cùng Live& Learn đã tiến hành nghiên cứu để đánh giá ảnh hưởng của thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19 đến chất lượng không khí, sử dụng dữ liệu trạm mặt đất và thông tin khí tượng. Nghiên cứu dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 7/2020. Người trình bày: TS. Lý Bích Thủy, ĐH Bách khoa Hà Nội.
• Giải thích về ONKK ở Việt Nam sử dụng mô hình WRF-Chem: Lần đầu tiên, Hệ thống mô hình nghiên cứu và dự báo thời tiết (WRF-Chem) được triển khai và kiểm chứng đối với các biến khí tượng và khí quyển của các trạm quan trắc mặt đất ở miền Bắc để mô phỏng chất lượng không khí ở miền Bắc. Nó cũng có thể dùng để đánh giá phát thải của việc đốt sinh khối rơm rạ trong mùa hè. Quá trình không khí thay đổi theo thời gian này được nhóm nghiên cứu trực quan hóa bằng video. Người trình bày: PGS.TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh, ĐH Công nghệ ĐH Quốc gia Hà Nội.
• Ảnh hưởng điện than tới Hà Nội: Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) kết hợp với một số cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế đã thực hiện nghiên cứu “Tác động của nhiệt điện than tới chất lượng không khí và sức khỏe tại Việt Nam” từ 10/2018 đến tháng 6/2020, nhằm xem xét đóng góp của các nhà máy điện than vào tình hình ô nhiễm không khí ở Việt Nam và gánh nặng bệnh tật tử vong sớm liên quan.Nghiên cứu phân tích 4 kịch bản phát triển điện than trong mối tương quan với những nguồn năng lượng sạch hơn. Kết quả này cũng nhằm góp ý vào Quy hoạch điện VIII và Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Người trình bày: Bà Nguyễn Thị Hằng, GreenID.
• Xây dựng bộ số liệu đầu vào để kiểm kê nguồn thải nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách quản lý ONKK dài hạn ở Hà Nội áp dụng mô hình GAINS: Trong khuôn khổ hợp tác của Viện Quốc tế về Phân tích Hệ thống Ứng dụng (IIASA) và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, nước ta đã xây dựng được mô hình GAINS với bộ số liệu cấp quốc gia và phân bổ cho thành phố Hà Nội. Hiện nay, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, công ty tư vấn RCEE-NIRAS đang xây dựng bộ số liệu đầu vào cho riêng Hà Nội và đối chiếu với những số liệu trước đó. Nghiên cứu tập trung vào cập nhật dữ liệu từ các nguồn thải như làng nghề, sinh hoạt dân cư, đốt rơm rạ, giao thông và xây dựng, công nghiệp và năng lượng.
• Phân tích xác định các nguồn thải ô nhiễm không khí cho TP Hà Nội: Nghiên cứu này do Viện Khí tượng Phần Lan (FMI) phối hợp với TP Hà Nội, nhằm phân tích thành phần hóa học trong bụi PM2.5 và xu thế khí hậu nhằm để đánh giá các nguồn gây ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 cho Hà Nội, có tính đến ảnh hưởng từ các tỉnh lân cận. Nghiên cứu này nằm trong dự án Quản lý chất lượng không khí Việt Nam tại Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ.
Hội thảo được tổ chức cả trực tiếp và online, dành cho các chuyên gia và đối tác trong mạng lưới. Khoa học và Phát triển sẽ cập nhật kết quả cụ thể của 5 nghiên cứu nói trên trong các bản tin tới.
Nguồn: Ngô Hà - khoahocphattrien.vn