SpStinet - vwpChiTiet

 

Hợp tác sản xuất Sâm bố chính: hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao

Nhiều vấn đề thực tiễn trong quá trình trồng, chế biến và sản xuất sâm Bố chính đã được đặt ra, các bên tham gia đã tìm được "tiếng nói chung" để tiến đến khai thác giá trị kinh tế của loại dược liệu này. Đây là kết quả tích cực, ghi nhận từ mô hình "Hợp tác công nghệ" lần thứ 2 do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức ngày 24/7/2020.

Mô hình "Hợp tác công nghệ" lần thứ 2 có chủ đề "Quy trình trồng sâm Bố chính hữu cơ", giới thiệu và kết nối kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao (AHRD) với các đơn vị có nhu cầu hợp tác đầu tư sản xuất và chuyển giao công nghệ trồng sâm Bố chính hữu cơ.

Ông Hoàng Đắc Hiệt (đại diện AHRD) trình bày tham luận về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và quy trình trồng sâm Bố chính hữu cơ.

Ông Hoàng Đắc Hiệt (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao) cho biết, sâm Bố chính thuộc nhóm cây làm thuốc, có công dụng chữa suy nhược cơ thể, ít ngủ, lao phổi, kém ăn, trẻ em cam mồm, gầy còm chậm lớn, sốt và ho dai dẳng, viêm họng, viêm phế quản, đau lưng, đau mình, hoa mắt, chóng mặt, khí hư,… Cây sâm Bố chính được đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2018 với diện tích 4ha tại huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình). Đến năm 2019 đã trồng được 34 ha trên các vùng đất cát và gò đồi mang lại giá trị cao cho nông dân. Các vùng khác như Tây Nguyên, miền Tây Nam bộ, tỉnh Quảng Trị,.. cũng đã bắt đầu trồng sâm Bố chính, nhưng diện tích chưa nhiều.

Các sản phẩm sâm Bố chính trên thị trường được sử dụng theo nhiều cách: củ sâm được sử dụng dạng tươi hoặc khô làm trà uống hằng ngày; dùng ngâm rượu và dùng làm thực phẩm như nấu canh, nấu chè,…tốt cho sức khỏe và có tác dụng bồi bổ cơ thể.

Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung và trồng sâm Bố chính hữu cơ nói riêng cho thấy nhiều ưu điểm, ví dụ như không dùng thuốc bảo vệ thực vật, trừ cỏ và phân bón hóa học nên an toàn cho con người và môi trường; quy trình trồng được kiểm soát chặt chẽ, kiểm soát và truy suất được nguồn gốc sản phẩm; là mô hình quen thuộc với đa số người nông dân, dễ thực hiện, ít tốn kém chi phí đầu tư, tiết kiệm phân bón hữu cơ nhờ tận dụng từ nguồn chăn nuôi gia súc,…

Thảo luận giữa các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu hợp tác, đầu tư với nhà cung ứng công nghệ. 

Quy trình trồng sâm Bố chính hữu cơ do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu và ứng dụng thành công với những ưu điểm nêu trên đã sẵn sàng chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất. Quy trình xác định được các giống thích hợp, các kỹ thuật trồng và chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch và sơ chế để cho ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo các thành phần hoạt chất cũng như năng suất và hiệu quả kinh tế. Theo tính toán, quy trình trồng sâm Bố chính hữu cơ với quy mô sản xuất 1.000m2 có chi phí sản xuất 29 triệu đồng, tạo ra doanh thu 90 triệu đồng, cho lợi nhuận 61 triệu đồng.

Ký kết ghi nhớ hợp tác công nghệ giữa nhà cung ứng và các đơn vị, cá nhân.

Kết quả "Hợp tác công nghệ" thành công nhất được ghi nhận là việc hình thành mô hình hợp tác 3 bên (đơn vị cung ứng/nhà nghiên cứu - doanh nghiệp sản xuất kinh doanh - nhà đầu tư) trong việc chuyển giao công nghệ trồng sâm Bố chính theo hướng hữu cơ và nghiên cứu chế biến, sản xuất sản phẩm từ sâm Bố chính.

Cụ thể, tại sự kiện đã diễn ra việc ký kết biên bản ghi nhớ tư vấn, hợp tác công nghệ giữa Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao với 5 đơn vị, cá nhân có nhu cầu, gồm: Cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm An Nhiên (TP.HCM), Trang trại Hoàng Tú (Đồng Tháp), Hợp tác xã dược liệu An Phúc Khang (Đắk Nông), Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM, ông Phạm Trọng Bằng (TP.HCM).

Trưng bày giới thiệu các sản phẩm sâm Bố chính tại sự kiện.

Đại diện cơ sở An Nhiên cho biết, đơn vị đã trồng sâm Bố chính được 2 năm, diện tích khoảng 3.000m2 tại Trà Vinh và đã cho thu hoạch. Tham gia chương trình "Hợp tác công nghệ", An Nhiên mong muốn tìm hiểu sâu về mặt kỹ thuật, quy trình trồng và sản xuất chế biến, cũng như hiệu quả kinh tế của sản phẩm. Đơn vị sẵn sàng hợp tác với nhà cung ứng để hoàn thiện quy trình trồng hữu cơ và triển khai mở rộng vùng sản xuất, phát triển theo hướng áp dụng dây chuyền sản xuất công nghiệp nhưng cho ra được sản phẩm tự nhiên. Sâm Bố chính chủ yếu được khai thác trong tự nhiên, gần đây mới được nghiên cứu kỹ thuật trồng và sản xuất. Người Việt chưa biết và chưa dùng sâm nhiều, một phần do thông tin về nghiên cứu và ứng dụng sâm Bố chính còn khá hạn hẹp. Thực tế, các bên cần "gặp nhau" để ứng dụng các quy trình trồng, sản xuất và chế biến sản phẩm, khai thác hiệu quả kinh tế. Do đó, việc trước tiên cần làm là xây dựng một kênh thông tin chuyên biệt về sâm Bố chính kết nối các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cùng chia sẻ, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm để làm sao đưa sâm Bố chính phát triển mạnh và ứng dụng vào chăm sóc sức khỏe người dân nhiều hơn nữa.

Đại diện Hợp tác xã An Phúc Khang cũng cho biết, đơn vị đang trồng một số loại dược liệu trong đó có sâm Bố chính và rất quan tâm ứng dụng các kỹ thuật trồng cây dược liệu này để triển khai cho người dân ở Đắc Nông cũng như vùng Tây Nguyên.  

Để khai thác giá trị kinh tế của sâm Bố chính, các ý kiến khác cho rằng, cần quan tâm tính toán về chi phí đầu tư, quy mô sản xuất phù hợp, đảm bảo chất lượng và giá cả đầu ra của sản phẩm. Đặc biệt, việc hợp tác cần nghiên cứu giải quyết sâu vấn đề phòng ngừa sâu bệnh hại sâm Bố chính. Hiện nay, bệnh úng cổ rễ (có tỷ lệ làm chết cây khá cao) nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để, nếu trồng trên diện tích lớn rất khó kiểm soát. Quy trình trồng và chăm sóc, sản xuất hữu cơ cần được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để triển khai áp dụng cho nông dân; xác định rõ hướng phát triển sản phẩm (nông sản hay dược liệu) sẽ có những hướng đi đúng và hiệu quả.

Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) phát biểu tại sự kiện.

Theo bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ), "Hợp tác công nghệ" là mô hình hoạt động mới trong năm 2020 nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp. Sự kiện lần thứ 2 này không chỉ đạt được mong muốn là giới thiệu, kết nối quy trình trồng sâm Bố chính theo hướng hữu cơ (sản phẩm từ đề tài nghiên cứu được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đầu tư kinh phí thực hiện) đến rộng rãi các đơn vị có nhu cầu, mà còn hình thành được mối liên kết hợp tác nghiên cứu, đầu tư và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Những thông tin, kinh nghiệm về trồng sâm Bố chính mà các đơn vị, chuyên gia, doanh nghiệp nhiệt tình chia sẻ cùng những đề xuất, giải pháp rất thiết thực chứng tỏ "Hợp tác công nghệ" thực sự hiệu quả. Qua đó, góp phần phát triển sản phẩm sâm Bố chính của Việt Nam, chăm sóc tốt cho sức khỏe người dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả