Việt Nam mua quyền truy cập sách, tạp chí y khoa để hỗ trợ chống dịch
24/02/2020
Hoạt động KH&CN
Quyền truy cập toàn bộ dữ liệu này được Bộ Khoa học và Công nghệ cung cấp miễn phí nhằm hỗ trợ cộng đồng y khoa trong việc nghiên cứu, điều trị và phòng chống dịch COVID-19.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã mua quyền truy cập toàn bộ gói tạp chí điện tử về lĩnh vực y học của nhà xuất bản ScienceDirect (gồm toàn văn khoảng 800 tạp chí y học có chỉ số impact-factor cao), gói sách điện tử lĩnh vực y dược của nhà xuất bản Springer Nature (khoảng 3.000 cuốn sách điện tử toàn văn về y dược).
Quyền truy cập toàn bộ dữ liệu này được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cung cấp miễn phí nhằm hỗ trợ cộng đồng y khoa trong việc nghiên cứu, điều trị và phòng chống dịch COVID-19. Các nhà khoa học, bác sĩ, nhân viên y tế có thể liên hệ Cục Thông tin KH&CN quốc gia để được cung cấp tài khoản truy cập miễn phí vào các nguồn tin trên qua số điện thoại: 024.39349928 hoặc email: [email protected].
Để tạo thuận lợi cho công tác nghiên cứu, điều trị và phòng chống dịch COVID-19, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia tập hợp các công bố quốc tế mới về nội dung này để các bác sĩ, nhân viên y tế và các nhà nghiên cứu của Việt Nam tiện theo dõi, danh sách sẽ được cập nhật thường xuyên theo tiến độ xuất bản điện tử.
Trước đó, liên quan đến dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã phê duyệt bổ sung đề tài độc lập cấp Nhà nước “Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus Corona mới”. Quyết định giao trực tiếp Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc. Nghiên cứu đặt mục tiêu thử nghiệm trong vòng 4 tuần hoặc có 10 người bệnh được điều trị lopinavir/ritonavir.
Trên cơ sở đó, đơn vị nghiên cứu sẽ báo cáo hiệu quả đáp ứng lâm sàng, cận lâm sàng, virus học của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm COVID-19 được điều trị theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Cũng theo đề tài, trong vòng 12 tháng, nghiên cứu sẽ làm rõ hiệu quả và tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh dựa trên phác đồ điều trị của Bộ Y tế, đề xuất phác đồ sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh.
Đây là đề tài nghiên cứu thử thuốc lâm sàng, đòi hỏi phải quản lý, theo dõi rất đặc biệt. Vì vậy, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong quá trình xem xét phê duyệt, triển khai thực hiện đề tài.
BT