Chỉ thị nêu rõ, trong quá trình phát triển đất nước, năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp. Nâng cao năng suất lao động là vấn đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững. Thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, năng suất lao động chưa tương xứng với kỳ vọng. Mức năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực ASEAN.
Việt Nam hướng tới là 1 trong 6 Trung tâm xuất sắc
về năng suất của APO trong năm 2020.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện thành công Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các định hướng lớn về cải cách để thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam.
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ KH&CN nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và ĐMST, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 10 năm 2020; xây dựng Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2030, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 6 năm 2020.
Nghiên cứu, xây dựng đề án thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động KHCN và ĐMST, nhất là từ doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 8 năm 2020; khẩn trương triển khai các dự án năng suất của Tổ chức năng suất châu Á (APO), nhất là dự án chứng nhận chuyên gia năng suất, tham gia các dự án trung tâm xuất sắc của APO; xây dựng và triển khai thực hiện Dự án nghiên cứu thúc đẩy năng suất trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
Những năm qua, Bộ KH&CN xác định động lực chính để bứt phá về năng suất và tăng trưởng bền vững đó chính là phải có một tế hoạch tổng thể về năng suất quốc gia, trong đó, các trụ cột KHCN và ĐMST là động lực chính để tạo ra sự bứt phá về năng suất và tăng trưởng bền vững.
Để đạt được mục tiêu đồng thời thu hẹp khoảng cách về năng suất với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới, cũng như thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, một kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, trong đó, các trụ cột KHCN và ĐMST là động lực chính để tạo ra sự bứt phá về năng suất và tăng trưởng bền vững tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, từ năm 2018, Bộ KH&CN đã đề xuất với Tổng thư ký Tổ chức Năng suất châu Á hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia dựa trên KHCN và ĐMST. Theo đó, kế hoạch thúc đẩy dựa trên việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất, công cụ KHCN; thúc đẩy năng suất nội ngành theo hướng tham gia vào các công đoạn, giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng; thúc đẩy năng suất vĩ mô thông qua phát triển lực lượng lao động có trình độ; thúc đẩy giải pháp KHCN và ĐMST, quy mô nền kinh tế để tăng năng suất. Ngoài ra, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung xây dựng và phát triển thể chế cũng được coi là vấn đề trọng tâm để tăng năng suất.
Uyên Chi