Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu nhấn mạnh về tầm quan trọng
của các trung tâm điều hành thông minh đối với TP.HCM. Ảnh: VGP/Gia Mỹ
Mô hình đang thí điểm tại TP.HCM là trung tâm điều hành y tế thông minh đầu tiên ở Việt Nam với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát và chỉ đạo điều hành. Đồng thời trung tâm này sẽ hỗ trợ, góp phần nâng cao công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân.
Sắp tới Trung tâm điều hành y tế thông minh của Thành phố sẽ tích hợp thêm ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm đưa ra những dự báo, cảnh báo xu hướng bệnh tật trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trung tâm kết nối với các chuyên gia, bác sĩ trong nước và hơn 100 bệnh viện tại 12 quốc gia trên thế giới để thực hiện chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng đội ngũ y tế của thành phố.
Đến nay Trung tâm này đã triển khai thí điểm 12 hợp phần gồm: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thông minh; hệ thống chỉ đạo điều hành thông minh; hệ thống quản lý và tổ chức cuộc họp; hệ thống quản lý lịch làm việc; hệ thống quản lý văn bản; hệ thống giám sát thời gian thực qua hệ thống camera có áp dụng trí tuệ nhân tạo; tích hợp hệ thống khảo sát hài lòng người bệnh, khảo sát người bệnh nội trú; hệ thống phân tích báo chí và mạng xã hội; tích hợp với dịch vụ hành chính công; kết nối với Trung tâm cấp cứu 115; hệ thống telemedicine và hệ thống giám sát dịch Corona.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, này điều này rất có ý nghĩa, thể hiện hợp tác lâu nay của lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp có năng lực cao trong ứng dụng công nghệ thông tin.
Lãnh đạo TP.HCM nhấn nút ra mắt mô hinh thi điểm Trung tâm
điều hành thông minh của Sở Y tế TP.HCM sáng ngày 11/2. Ảnh: VGP/Gia Mỹ
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TP.HCM hiện có hơn 10 triệu dân, thêm 50-60% bệnh nhân từ các tỉnh đến như vậy phải phục vụ tới 16 triệu người. Do đó cần những yêu cầu cao hơn về nhân lực, cơ sở vật chất bằng trí tuệ và các phương tiện hiện đại để nâng cao chất lượng quản lý va đưa ra những dự báo cho ngành. Sắp tới thành phố sẽ tăng số lượng camera, quan sát từng khoa cấp cứu, phòng bệnh để nâng cao chất lượng phục vụ. Khi đó người dân ở nhà cũng có thể chọn được bác sĩ, giờ khám.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, việc đưa vào hoạt động hệ thống điều hành thông minh này sẽ giúp công tác quản lý của ngành mang tính chủ động hơn: “Cụ thể đối với tình hình dịch bệnh hiện nay chẳng hạn thì với hệ thống điều hành thông minh này công tác quản lý sẽ dễ dàng hơn. Thứ nhất, Sở Y tế có thể cập nhật được tình hình những ca mắc bệnh ở cơ sở. Trước đây mỗi ngày đều báo cáo bằng giấy hoặc đường thông tin bình thường. Giờ với hệ điều hành này chỉ cần lãnh đạo các phòng ban, lãnh đạo Sở Y tế ngồi trước màn hình là có thể biết ngay. Với ứng dụng này, lãnh đạo Sở có thể dễ dàng trao đổi với các cơ sở về công tác chăm sóc người bệnh ở các nơi đang cách ly”.
Cũng trong sáng nay, Sở GD-ĐT TP.HCM và Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế - AIC tổ chức lễ ra mắt mô hình thí điểm Trung tâm điều hành giáo dục thông minh.Trung tâm này gồm một số hợp phần như: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo bằng công cụ thông minh, trực tuyến; hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành bằng các công cụ thông minh; quản lý và tổ chức các cuộc họp thông minh; quản lý lịch làm việc; tích hợp và triển khai hệ thống quản lý văn bản thông minh; hệ thống giám sát qua camera trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo; cập nhật các thông tin mới nhất về ngành, tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn giảng, nghiên cứu của thầy và hoạt động tự học của trò, tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập…
Lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo TP.HCM ký hợp tác
thí điểm mô hình Trung tâm điều hành giáo dục thông minh. Ảnh: VGP/Gia Mỹ
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, mô hình thí điểm Trung tâm điều hành giáo dục thông minh là bước đi quan trọng đầu tiên để xây dựng nên nền tảng giáo dục thông minh của thành phố. Trong quá trình vận hành thí điểm, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp hoàn chỉnh về phần mềm, các thiết bị,… đảm bảo hiệu quả tốt nhất trong việc sử dụng và vận hành của Trung tâm.
“Sự ra đời của mô hình thí điểm Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh là những bước đi đầu tiên nhưng rất quan trọng để ngành GD-ĐT TP.HCM cùng phối hợp, triển khai thành công các Đề án, Chương trình Giáo dục thông minh, mà trước mắt là hai Đề án đã được Lãnh đạo thành phố thông qua về chủ trương là Đề án xây dựng Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh và Đề án xây dựng Mô hình Trường học thông minh, sắp tới thí điểm tại Quận 1, Quận 12 và năm trường trung học phổ thông chuyên, trường theo Mô hình Tiên tiến Hội nhập của Thành phố”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết thêm.
Gia Mỹ