Theo bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), Sở Xây dựng là đơn vị đầu tiên ký biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2020-2025 với Sở Khoa học và Công nghệ về thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng, với các nội dung về quản lý hạ tầng kỹ thuật, quản lý đô thị và nhà ở, quản lý hoạt động xây dựng. Vì vậy, mục tiêu của buổi tọa đàm lần này là trao đổi, thảo luận và tìm kiếm đối tác để giải quyết vấn đề của Sở Xây dựng đặt ra như quản lý quy hoạch – tài nguyên – xây dựng trên địa bàn TP.HCM và xử lý tình trạng dầu, mỡ gây tắc nghẽn, hư hỏng hệ thống thoát nước đô thị.
Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại tọa đàm.
Trao đổi tại Tọa đàm, ông Phạm Kim Bằng (phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng) kiến nghị các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, trường viện, doanh nghiệp nghiên cứu đề ra các giải pháp xây dựng ứng dụng quản lý quy hoạch – tài nguyên – xây dựng cho toàn địa bàn thành phố dùng chung cho toàn thành phố. Theo đó, giải pháp phần mềm quản lý cần tích hợp các dữ liệu của các sở, ngành như Sở Tài nguyên và Môi trường (bản đồ địa chính GIS); Sở Quy hoạch – Kiến trúc (phần mềm ứng dụng thông tin quy hoạch TP.HCM); Sở Xây dựng (phần mềm ứng dụng App SXD 247); các ứng dụng trực tuyến và quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp giấy phép xây dựng nhà ở của các UBND quận, huyện.
Ông Đỗ Tấn Long (Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM) cho biết, chỉ riêng trên địa bàn các quận nội thành thành phố đã có hàng vạn nhà hàng, khách sạn, các tòa nhà hỗn hợp thương mại, bếp ăn của các cơ quan, trường học, cơ sở chế biến thực phẩm,…Hàng ngày, nguồn nước thải có chứa dầu mỡ từ các cơ sở này gần như được xả thẳng ra kênh rạch, ao hồ và hệ thống thoát nước chung của thành phố, gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thực tế ghi nhận, hàm lượng dầu mỡ động, thực vật trong nước thải tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống ở mức 123-39.168mg/l, vượt nhiều lần mức cho phép tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 14:2008/BTNMT (20mg/l).
Kết quả khảo sát, thống kê sơ bộ của Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM cho thấy, khu vực nội thành có khoảng 320 vị trí, quán ăn xả nước thải có chứa nhiều dầu mỡ ra hệ thống thoát nước. Trong đó, nước thải của 283 vị trí có hiện tượng dầu mỡ đóng váng, kết tảng gây bít, tắc nghẽn cống thoát nước. Việc xả thẳng nước thải có chứa dầu, mỡ chưa qua xử lý ra hệ thống thoát nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm, tắc nghẽn các đường ống thoát nước trên địa bàn thành phố.
Các đơn vị, doanh nghiệp trình bày giải pháp, công nghệ.
Tại buổi tọa đàm, một số đơn vị, doanh nghiệp đã trình bày, đề xuất các giải pháp, công nghệ để giải quyết các vấn đề đã nêu, như công nghệ 3D GIS, thiết bị tách dầu mỡ tự động, hố ga nhựa chống trào ngược (thay thế hố ga gạch) trong hệ thống nước thải gia đình,…
Ví dụ, thiết bị tách dầu mỡ tự động do Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước đô thị nghiên cứu chế tạo dựa trên nguyên lý tuyển nổi. Nước thải tại các khu vực chế biến thực phẩm của các cơ sở kinh doanh ăn uống sau khi chảy vào thiết bị, qua các vách ngăn được thiết kế đặc biệt làm giảm các xáo trộn thủy lực của dòng chảy, tạo môi trường ổn định để lớp dầu mỡ có trọng lượng riêng nhỏ hơn nước nổi lên bên trên bề mặt, được gia nhiệt để tránh đông đặc và thu gom vào hộp chứa qua hệ thống con lăn tự động. Nước thải sau khi xử lý qua thiết bị đạt các tiêu chuẩn quy định về lượng dầu mỡ cho phép. Thiết bị có thể áp dụng rộng rãi tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cơ sở rửa xe, bảo dưỡng xe,…giúp khắc phục tình trạng bất cập của nước thải chứa dầu mỡ, bảo vệ và duy trì độ bền, tuổi thọ của hệ thống thoát nước; đảm bảo khả năng thoát nước của hệ thống; bảo vệ sức khỏe người lao động và đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Phần trao đổi, thảo luận.
Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, liên quan đến thoát nước đô thị, cần làm rõ ảnh hưởng của tích lũy cặn dầu mỡ đến hiện tượng cá chết vào mùa mưa. Ngoài ra, cần nghiên cứu các giải pháp xử lý mùi hôi cho cống thoát nước; giải pháp thu gom chất thải tại nguồn, trong dân; ứng dụng hệ thống camera siêu âm trong quan trắc, đo đạc chiều dày của lớp váng nổi tại các khu vực quan trắc để tiến hành thu gom định kỳ. Bên cạnh các giải pháp, công nghệ được trình bày tại buổi tọa đàm, cần chú trọng các ý tưởng, giải pháp đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tham gia giải quyết các vấn đề này. Các cơ quan, đơn vị, viện, trường, cũng như các cá nhân, tổ chức đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp khi tham gia giải quyết các vấn đề mà Sở Xây dựng đặt ra có thể xây dựng thuyết minh nhiệm vụ và đăng ký với Sở KH&CN TP.HCM để được xét duyệt và cấp kinh phí thực hiện.
Lam Vân (CESTI)