SpStinet - vwpChiTiet

 

Thêm 11 cơ hội hợp tác công nghệ vừa mở ra

Sáng nay 17/6, hoạt động “Hợp tác công nghệ”, nội dung sản xuất phân hữu cơ sinh học từ phân ruồi lính đen, vừa “kết nối” thành công cho 11 doanh nghiệp sản xuất và nhà đầu tư tại TP.HCM và các tỉnh với Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam, tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM

Tham dự sự kiện có hơn 40 khách mời từ các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, cơ quan tư vấn, quản lý cùng các hợp tác xã, các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu khả năng hợp tác triển khai, ứng dụng công nghệ sản xuất phân hữu cơ sinh học từ phân ruồi lính đen vào thực tiễn.

Toàn cảnh hoạt động “Hợp tác công nghệ”

Ruồi lính đen (Hermetia illucens) được nhiều nước trên thế giới khai thác rất hiệu quả, mà không gây hại cho môi trường và con người: sử dụng trong xử lý chất thải, rác hữu cơ; dùng làm thức ăn chăn nuôi; sản xuất dầu biodiesel; sản xuất phân bón hữu cơ. Riêng với mục đích sản xuất phân hữu cơ từ phân ruồi lính đen, xu hướng nghiên cứu trên thế giới cũng gia tăng mạnh, từ năm 2016 trở lại đây.

Là loại côn trùng khá thích hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam, khá nhiều đơn vị nuôi ruồi lính đen tập trung tại khu vực phía Nam (Đồng Tháp, Cần Thơ, TP.HCM, Long An, An Giang). Khu vực phía Bắc cũng có một số tỉnh như Thanh Hóa, Sơn La, khu vực Tây nguyên có Daklak. Ruồi lính đen mang lại giá trị kinh tế khá cao cho người nuôi, với ấu trùng (28 ngày tuổi) giá có thể lên đến 100.000 đồng/kg; trứng ruồi từ 15-30 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, phân ruồi lính đen lại thường bị bỏ qua (đang là phế, phụ phẩm của các trang trại). Dù một số nơi đã nghiên cứu khả năng dùng làm phân bón, nhưng chủ yếu vẫn ở dạng nguyên liệu thô, quy mô sản xuất nhỏ lẻ.

TS. Lâm Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam (Viện Thổ nhưỡng cho biết, nhộng ruồi lính đen có khả năng phân hủy thực phẩm thải rất hiệu quả (phân hủy đến 80-90% chất thải trong 24 giờ). Nhộng ruồi lính đen, khi dùng thay thế bột cá trong khẩu phần thức ăn nuôi cá hồi giúp tăng lượng dầu cá lên 13-18%. Phân nhộng ruồi lính đen chứa nhiều chất dinh dưỡng, là nguồn nguyên liệu rất tốt để sản xuất phân bón hữu cơ.

TS. Lâm Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam giới thiệu công nghệ sản xuất phân hữu cơ sinh học từ phân ruồi lính đen.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình xử lý phân ruồi lính đen thành phân hữu cơ sinh học, tạo ra sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng đối với phân bón hữu cơ sinh học theo Nghị định 84/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Quy chuẩn Việt Nam số QCVN 01-189:2019/BNNPTNT, đặc biệt là các giá trị chính như độ pH, axit humic và tỉ lệ C/N. không phát hiện các chỉ tiêu kim loại nặng (Cd, Pb, As và Hg) và vi sinh vật gây hại; các vi sinh vật hữu ích (Streptomyces spp và Bacillus subtilis) đều ở mức cao đạt từ 108 CFU/g trở lên. Ứng dụng thực tế phân hữu cơ từ phân ruồi lính đen cho thấy đạt hiệu quả cải thiện độ pH đất và độ ẩm đất; đưa vào sản xuất nông nghiệp (rau mùng tơi, trà oloong) cho thấy, gia tăng năng suất và chất lượng nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Doanh nghiệp đặt câu hỏi với nhà cung ứng công nghệ.

Ứng dụng thực tế của các giải pháp công nghệ luôn là vẩn đề mà các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho đơn vị giới thiệu công nghệ: chi phí sản xuất phân hữu cơ từ phân ruồi lính đen; chi phí sử dụng phân ruồi lính đen vào thực tiễn sản xuất,…ngay cả vấn đề khá nhạy cảm như khả năng gây ô nhiễm môi trường khi nuôi ruồi lính đen, cũng đã được đặt ra, và đều được chia sẻ rất cởi mở và trách nhiệm. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khu vực miền Tây Nam bộ rất quan tâm đến khả năng ứng dụng phân hữu cơ từ phân ruồi lính đen cho các sản phẩm đặc trưng của khu vực này (lúa và trái cây), đặc biệt là các loại trái cây như xoài, mít, sầu riêng,…Nhiều doanh nghiệp lại thể hiện sự quan tâm đến việc ứng dụng phân hữu cơ từ phân ruồi lính đen cho các loại rau màu khác,…Các băn khoăn này, một phần được giải đáp cặn kẽ từ đơn vị cung ứng công nghệ, một phần lại được giải đáp ngay từ những doanh nghiệp đã ứng dụng sản phẩm công nghệ. Ví dụ, Công ty Nông sản bền vững Sinh Lộc chia sẻ kinh nghiệm sử dụng phân ruồi lính đen vào sản xuất (cà chua, dưa leo,…), giúp sản phẩm bán ra được giá hơn.

HDKH-AT-200617-08-01.jpg

Ghi nhớ hợp tác nghiên cứu phát triển công nghệ và sản xuất phân hữu cơ giữa Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Thiên Phú và Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam, một trong 11 bản ghi nhớ được ký  kết tại sự kiện .

Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất canh tác khoảng 11,5 triệu ha, nhu cầu phân bón hữu cơ lên tới khoảng 50 triệu tấn, nhưng lượng cung ứng thực tế (cả sản xuất trong nước và nhập khẩu) chỉ mới khoảng 3,2 triệu tấn. Vì thế, dư địa cho sản xuất phân hữu cơ chất lượng tốt là còn rất lớn.

Từ những trao đổi, thảo luận thẳng thắn, đại diện 11 doanh nghiệp, nhà đầu tư đã ký các bản ghi nhớ hợp tác công nghệ với Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam, mở ra nhiều cơ hội mới cho tất cả các bên.

Một số hình ảnh khác từ sự kiện:

Chia sẻ thẳng thắn, cởi mở từ nhà cung ứng công nghệ.

Tìm hiểu các sản phẩm phân hữu cơ từ phân ruồi lính đen

Tiếp tục trao đổi, thảo luận, dù thời gian tổ chức chính thức đã khép lại

Hợp tác công nghệ” và "Kết nối ý tưởng" (tổ chức lần đầu tiên vào ngày 4/6 vừa qua) là hai hoạt động của chuỗi sự kiện "Cà phê công nghệ”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) triển khai dưới sự chỉ đạo của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, nhằm thúc đẩy kết nối cung cầu, xúc tiến chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, hiệu quả kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực, khẳng định vai trò "cầu nối" giữa các doanh nghiệp sản xuất và tổ chức/chuyên gia nghiên cứu của CESTI.

Các đơn vị, cá nhân có thành quả nghiên cứu công nghệ, muốn tìm kiếm các doanh nghiệp, nhà đầu tư thích hợp để hợp tác phát triển, ứng dụng vào sản xuất-kinh doanh, có thể liên hệ với Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (79 Trương Định, Quận 1, ĐT: 028-3824.3826, Email: [email protected]) để được hỗ trợ.

T.N (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả