Ở phần xếp hạng, UPM thực hiện theo 4 chỉ số thuộc lĩnh vực nghiên cứu: quy mô công bố quốc tế, bài báo trung bình trên giảng viên, trích dẫn trung bình trên bài báo, và nghiên cứu nội lực (mỗi chỉ số có một xếp hạng riêng).
Ảnh minh họa: Sinh viên Đại học Phenikaa tại phòng thí nghiệm điện tử.
Trong khi đó, hệ thống Sao UPM đánh giá hoạt động của trường đại học thông qua 8 nhóm tiêu chuẩn (Quản trị chiến lược, Đào tạo, Nghiên cứu, Đổi mới sáng tạo, Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Công nghệ thông tin và tài nguyên số, Mức độ quốc tế hóa, và Phục vụ cộng đồng).
Mỗi nhóm tiêu chuẩn lại bao gồm nhiêu tiêu chí, tổng cộng có 54 tiêu chí. Ngoài các tiêu chí truyền thống, UPM khuyến khích các trường đại học nêu cao tinh thần khởi nghiệp; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo; Thực hiện chuyển đổi số; Đào tạo cá thể hoá và Bảo vệ các giá trị đạo đức.
Kết quả đánh giá được trình bày dưới dạng điểm chung cho toàn cơ sở và điểm riêng cho từng nhóm tiêu chuẩn, đều theo số Sao UPM (từ 1 đến 5).
Xếp hạng và đánh giá Sao UPM do các trường đại học “tự nguyện tham gia”. "Riêng Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Kasetsart và một số trường đại học nhóm 1.000 thế giới khác tham gia lần này còn do yêu cầu làm case study của nhóm nghiên cứu. Đó là các trường mà thành tích đã đạt của họ trong số tiêu chí đã được chuẩn hoá thành mốc chuẩn của UPM, thậm chí là mốc chuẩn của đại học định hướng nghiên cứu trong Nghị định 99/2019," GS. Nguyễn Hữu Đức, người trực tiếp phụ trách hệ thống về các tiêu chí và nguyên tắc của Bộ tiêu chí xếp hạng UPM, chia sẻ trên trang cá nhân.
Trước đó, trả lời phỏng vấn tạp chí Tia Sáng, GS. Nguyễn Hữu Đức, từng cho rằng, ở cấp độ quốc gia, cần thiết phải hình thành một nhóm chuyên gia có đại diện của cơ quan quản lí nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học có điều kiện triển khai xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá xếp hạng riêng cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. "Bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng này trước hết phải có sự đồng thuận của trường, coi đó là bộ công cụ phục vụ công tác đánh giá, nhận diện hiện trạng, xây dựng chính sách đầu tư phát triển và quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Các trường đại học có kết quả xếp hạng quốc tế và trong nước tốt sẽ được hỗ trợ giao nhiệm vụ đầu tư phát triển. Các cơ sở giáo dục đại học có kết quả đánh giá xếp hạng yếu kém cần được xử lý, đảm bảo trách nhiệm với xã hội," ông nói.
Sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội tại Techfest 2019.
Công bố và nội lực
Về xếp hạng, hiện nay đã có 35 trường đại học tham gia.
Dẫn đầu xếp hạng về quy mô công bố và số bài báo trung bình/giảng viên là Đại học Tôn Đức Thắng với 5.547 bài báo và 5,88 bài báo/giảng viên. Thông tin từ bảng xếp hạng chỉ số nghiên cứu nội lực cho biết, 20,75% số bài báo của Đại học Tôn Đức Thắng xuất phát từ nội lực.
Đại diện của UPM cho Khoa học và Phát triển biết, các bài báo phục vụ việc xếp hạng là các bài báo ISI/Scopus được xuất bản trong khoảng thời gian từ năm 2015-2019.
Cũng trong nhóm 5 trường đứng đầu về số lượng công bố, Đại học Quốc gia TPHCM đứng thứ 2 có chỉ số nghiên cứu nội lực cao nhất (49,16%); tiếp theo là Đại học Bách khoa Hà Nội đứng thứ 4 có chỉ số nghiên cứu nội lực 40,83%, và Đại học Quốc gia Hà Nội đứng thứ 3 có chỉ số nghiên cứu nội lực 32,30%. Điều này cho thấy một phần đáng kể công bố của các trường top đầu được sinh ra trong các hoạt động hợp tác với các đơn vị nghiên cứu/đào tạo đại học khác ở trong nước và quốc tế.
Dẫn đầu bảng chỉ số trích dẫn trung bình/bài báo là Đại học Duy Tân (11,84 trích dẫn/bài báo). Đại học Duy Tân cũng có thứ hạng cao về số lượng công bố quốc tế (thứ 5) với 2.465 bài ISI/Scopus, trong đó số bài báo bằng nội lực chiếm 22,75%.
Về đánh giá gắn sao UPM, đã có 30 trường đại học tham gia, bao gồm 5 trường của Thailand, Indonesia và Philippines. Kết quả, có 5 trường được UPM đánh giá 5 sao theo định hướng nghiên cứu và 4 trong số đó là trường của Việt Nam. Năm nay UPM chưa đánh giá đại học nào của Việt Nam đạt 5 sao theo định hướng ứng dụng.
Đa số các dữ liệu phục vụ việc đánh giá gắn sao được tính cho 3 năm gần nhất, đại diện của UPM cho biết.
Nguồn: FB GS Nguyễn Hữu Đức
Để được đánh giá Sao UPM, các trường đại học truy cập trang web http://upm.vn tải xuống mẫu tập dữ liệu UPM, điền vào bộ dữ liệu và gửi toàn bộ dữ liệu tự báo cáo tới UPM. Nhóm UPM và ban cố vấn sẽ xem xét và phê duyệt dữ liệu, sau đó quyết định điểm số.
Đại diện của UPM cho biết, trước mắt, quy trình đánh giá Sao UPM cũng như xếp hạng đều được thực hiện miễn phí.
Nguồn: Thanh Nam - khoahocphattrien.vn