Đáp ứng đa dạng nhu cầu của doanh nghiệp
Có thể nói, phát triển sản phẩm mới đang được sự quan tâm của nhiều đơn vị chế biến thực phẩm, chẳng hạn như hạt điều rang có vị (muối, phô mai, washabi, mật ong…), sấy thực phẩm tẩm gia vị, đóng chai mật ong cô đặc chân không,…nên tại Techmart năm nay, nhu cầu tìm kiếm chuyên gia, giải pháp công nghệ theo hướng này khá nhiều. Các nhà tổ chức Techmart (Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM - CESTI) đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc này qua các giải pháp tư vấn, hỗ trợ kết nối cung-cầu: doanh nghiệp chỉ cần đề xuất ý tưởng (hoặc sản phẩm mẫu), xác định quy mô sản xuất; nhu cầu này sẽ được CESTI xử lý và chuyển đến các nhà cung ứng thích hợp, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận được các nhà cung ứng; hình thành những buổi tiếp xúc, tư vấn, trao đổi cụ thể để đạt được sự đồng thuận giữa các bên, nên có thể nhanh chóng ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một góc tư vấn chuyên gia tại Techmart.
Tư vấn thu hút doanh nghiệp mới
Với ý tưởng chế biến nhãn sấy từ nguồn nguyên liệu tươi, anh T.V.L. (Quận Bình Tân – TP.HCM) và nhóm cộng sự đã tham dự Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2020 nhằm tìm kiếm giải pháp công nghệ và tìm hiểu chi phí đầu tư cho doanh nghiệp sắp thành lập. Tại đây, không chỉ tham dự các buổi hội thảo chuyên về sấy, anh T.V.L. còn được Ban tổ chức sắp xếp tiếp cận với các chuyên gia ở khu vực tư vấn để làm rõ hơn những giải pháp – thiết bị tương ứng với quy mô mà doanh nghiệp mong muốn đầu tư.
Trong quá trình tiếp xúc chuyên gia, anh T.V.L được TS. Ngô Mạnh Dũng (ĐH Bách Khoa TP.HCM) tư vấn cụ thể về các công đoạn trong quy trình sấy và tách cùi nhãn. Với các chuyên gia từ ĐH Nông Lâm TP.HCM, anh được ThS. Lê Văn Bạn tư vấn nghiên cứu quy trình tách cơm nhãn sấy phục vụ chế biến. ThS. Đặng Diệp Yến Nga (ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) đã tư vấn cho anh về các chỉ tiêu kiểm định thực phẩm khi công bố sản phẩm,...
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp mới nên tập trung phát triển một số mặt hàng chủ lực; tìm hiểu những kỹ thuật tiền sơ chế và sơ chế để hạn chế hư hao, thất thoát nông sản do dùng nguyên liệu tươi; chọn giải pháp phù hợp từ các nhà cung ứng (chi phí sản xuất, lắp đặt,...); xây dựng công bố chất lượng sản phẩm (gửi mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu sinh hóa và vi sinh đến các đơn vị uy tín, ví dụ như Quatest 3, CASE hay Sắc ký Hải Đăng,...) và xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp cũng cần ký hợp đồng với các nông hộ địa phương để có nguồn cung ổn định, bảo đảm chất lượng sản phẩm đồng nhất theo yêu cầu đặt hàng.
Ngành sấy đắt hàng
Sấy là một trong những lối ra chủ lực cho nông sản sau thu hoạch ở nước ta trong những năm tới, nên các công nghệ sấy được khá nhiều doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu, nhằm cải tiến hệ thống sấy hiện hữu. Đó có thể là các hệ thống sấy đang hoạt động không hiệu quả, sản phẩm đầu ra ẩm độ chưa đồng đều, tiêu hao nhiều năng lượng, tốn nhân công đảo trộn trong quá trình sấy,...Đó cũng có thể là yêu cầu tư vấn về công nghệ sấy để phát triển sản phẩm mới, mở rộng kinh doanh,…Chẳng hạn như, một doanh nghiệp Đồng Tháp không chỉ thể hiện sự quan tâm đến ứng dụng công nghệ sấy lạnh để sấy ngũ vị cho thực phẩm, mà còn tìm hiểu kỹ về thời gian đáp ứng (chế tạo hệ thống sấy lạnh) của đơn vị cung ứng, để có thể đưa kịp vào sản xuất; cũng như khả năng mở rộng để sấy các loại sản phẩm khác (trái cây, rau củ) của doanh nghiệp.
Với yêu cầu của một doanh nghiệp khác (cần tư vấn về hệ thống sấy khô măng), bên cạnh việc giới thiệu cặn kẽ về quy trình công nghệ (xử lý trước sấy như xé, luộc rồi mới sấy,...), các chuyên gia đã khuyên doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các phương án chế biến, tính toán chi phí đầu tư cho hệ thống sấy phù hợp, nhất là đối với những mặt hàng mới. Do thực tiễn sản xuất rất đa dạng, theo các chuyên gia, cần có những khảo sát, nghiên cứu cụ thể để có thể đề xuất các giải pháp công nghệ phù hợp nhất cho từng doanh nghiệp.
Không chỉ doanh nghiệp, mà một số trường cao đẳng, đại học và đơn vị dạy nghề cũng tìm đến tư vấn về chế tạo các hệ thống sấy cho phòng thí nghiệm, ví dụ như hệ thống công suất khoảng 3-4kg/mẻ, sử dụng cảm biến để giám sát các tác nhân sấy (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió) khi tiến hành thí nghiệm, có giao tiếp USB để xuất dữ liệu ra máy tính phục vụ hoạt động giảng dạy.
Chuyên gia tư vấn cặn kẽ cho người có nhu cầu tìm hiểu công nghệ.
Hoạt động tư vấn chuyên gia tại Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2020 diễn ra rất sôi động, bên cạnh các hoạt động trưng bày, hội thảo giới thiệu giải pháp công nghệ. Qua 2 ngày tổ chức, đã ghi nhận trên 50 biên bản ghi nhớ tư vấn chuyên gia và hợp tác cung-cầu công nghệ giữa các đơn vị và doanh nghiệp. Đây là một kết quả đầy hứa hẹn, tăng cường quá trình kết nối, giao dịch giữa các nhà cung ứng công nghệ và khách hàng, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, cho biết ngay sau khi sự kiện Techmart Công nghệ sau thu hoạch 2020 khép lại, hai hoạt động “Hợp tác công nghệ” và "Kết nối ý tưởng" nhằm thúc đẩy kết nối cung - cầu, xúc tiến chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực sẽ tiếp tục được triển khai, minh chứng mạnh mẽ cho sự đổi mới liên tục các hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ của CESTI, đảm bảo CESTI luôn là cầu nối đắc lực, rộng mở và sát cánh cùng doanh nghiệp để nâng cao hàm lượng công nghệ trong quy trình sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng sản xuất và xuất khẩu.
Hoàng Kim (CESTI)