SpStinet - vwpChiTiet

 

Tăng hiệu quả sử dụng nước tưới trong mùa khô hạn

Ở vị trí nước được tưới, Flobond tạo thành lớp kết tủa phủ rộng, giúp tăng 25% thể tích nước được trữ tại gốc, nơi rễ cây có thể hấp thu, và gia tăng độ xốp của đất.

Ngày 2/10, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) phối hợp cùng Công ty TNHH Chớp Ngay tổ chức hội thảo giới thiệu “Giải pháp tăng hiệu quả sử dụng nước nông nghiệp mùa hạn bằng chế phẩm Polyacrylamide”.

Báo cáo tại buổi hội thảo, ông Hoàng Tuấn Minh (Giám đốc Công ty Chớp Ngay) cho biết, Flobond là sản phẩm thương mại hóa của chế phẩm Polyacrylamide (PAM), được sản xuất theo công nghệ Anionic Polyacrylamide.

Nguyên liệu sản xuất PAM là monome acrylamide, qua quá trình polime hóa với các chất xúc tác sẽ tạo thành dạng keo. Tiếp đó, PAM được sản xuất ở 2 dạng chủ yếu là bột hoặc hạt, tùy theo yêu cầu sử dụng, trong những lĩnh vực khác nhau như y tế, khai khoáng hoặc nông nghiệp. Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của PAM chính là làm keo tụ chất rắn bên trong chất lỏng. Ngoài ra, PAM còn được ứng dụng trong các công tác xử lý nước thải, chất thải, thu hồi đầu, chế biến giấy và sản xuất vải.

Ông Hoàng Tuấn Minh chia sẻ tính hữu dụng của sản phẩm Flobond.

Trong ứng dụng nông nghiệp, với bản chất là chuỗi liên kết polymer hữu cơ, PAM mang điện tích âm, dễ hòa tan vào nước tưới, được phun trực tiếp vào phần đất trồng cây và tạo ra phản ứng kết tủa ở bề mặt đất.

Là dòng sản phẩm được nghiên cứu và phát triển theo xu hướng bổ sung lượng nước tưới vào rễ cây, Flobond có khả năng làm giảm hiện tượng đất bị phân tách kết cấu khi tưới (hình thành lớp vỏ hoặc lớp đệm, gây tắc nghẽn các mạch rỗng khiến nước chảy lan trên bề mặt), không thẩm thấu xuống đất ở vị trí cần thiết. Bên cạnh đó, với tác dụng giữ nước trong một thời gian ngắn, Flobond giúp giảm thất thoát do tình trạng bay hơi hoặc thoát thẳng xuống phía dưới, qua đó hạn chế tình trạng rửa trôi đất, giảm thất thoát chất dinh dưỡng trong đất, cho phép cây có thêm thời gian hấp thu và phát triển tốt hơn.

Cụ thể, khi được pha vào nước đầu nguồn với tỷ lệ thích hợp (khoảng 2-4 lít/ha cho đất thường hoặc 4-8 lít/ha cho đất cát ở mỗi lần tưới) bằng máy châm, Flobond tan hoàn toàn trong nước, làm tăng độ sệt của nước. Sau khi nước được tưới, Flobond tiếp xúc với đất, tạo kết tủa các vật chất lơ lửng, tạo thành một lớp màng hạn chế nước chảy tự do, làm giảm sự xói mòn đất và giữ nước quanh khu vực rễ cây. Do dễ bị ánh sáng phân hủy, sản phẩm thẩm thấu vào đất và được rễ cây hấp thu hoàn toàn nên rất an toàn cho môi trường, phù hợp với hoạt động canh tác hữu cơ.

Kể về quá trình thực nghiệm trên vườn cây ớt chuông, đại diện Công ty Chớp Ngay cho biết, ở độ sâu 6 inch dưới mặt đất (nơi rễ cây thường hấp thụ dinh dưỡng), phần đất sử dụng Flobond có độ ẩm trung bình là 20%, cao hơn tỉ lệ 15% của đất đối chứng. Đo lường ở vị trí nước được tưới, Flobond tạo thành lớp kết tủa phủ rộng, gia tăng 25% thể tích nước trữ tại gốc mà rễ cây có thể hấp thu, tăng độ xốp của đất. Kết quả, cây trồng trên phần đất sử dụng Flobond tươi tốt và xum xuê hơn cây trồng trên đất đối chứng.

Nếu được pha chung với những loại phân bón hòa tan trong nước phù hợp, Flobond còn giúp cây trồng hấp thu chất dinh dưỡng nhiều hơn bình thường nhờ cơ chế trên.

Flobond có tác dụng giúp tăng thêm hiệu quả tiết kiệm nước, đặc biệt là khi cây trồng được tưới tiêu bằng hệ thống tưới nhỏ giọt. Hàm lượng 100ppm là tương đối phù hợp và tối ưu.”, ông Hoàng Tuấn Minh trao đổi với đại diện một nhà cung cấp thiết bị tưới và công nghệ tưới nhỏ giọt.

Pha chế Flobond đúng hàm lượng sẽ có tác dụng tích cực rõ rệt.

Đối với loại đất bị hạn mặn, bó cứng, khó canh tác ở đồng bằng sông Cửu Long, trong mô hình trồng cây cạnh bờ liếp và tưới rãnh (do Đại học Cần Thơ triển khai), Flobond cho thấy giúp phá vỡ độ cứng của đất để nước thẩm thấu vào vùng rễ, giúp tăng tỷ lệ sống của cây, thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định và gia tăng sản lượng, chất lượng nông sản.

Vì vậy, Flobond là giải pháp phù hợp giúp tiết giảm lượng nước bị lãng phí ra môi trường, nhất là khi xảy ra tình trạng khô hạn hoặc thiếu nước. Từ đó, người làm nông có thể theo dõi để giãn cách số lần tưới cho phù hợp, hoặc giảm lượng nước sử dụng trong mỗi lần tưới, vừa tiết kiệm nước vừa giảm chi phí tưới tiêu.

Hoàng Kim (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả