Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) đang tiến hành khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp về việc chuyển giao công nghệ sản xuất hoặc ứng dụng sản phẩm này. Nếu được sự quan tâm của cộng đồng, CESTI sẽ tổ chức sự kiện "Hợp tác công nghệ", giới thiệu xe phun thuộc trừ sâu tự hành nhằm kết nối chủ sở hữu công nghệ với các đơn vị có nhu cầu hợp tác, chuyển giao.
TS. Trần Viết Thắng (đại diện nhóm nghiên cứu) cho biết, sản phẩm được nghiên cứu, chế tạo thành công từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố tại TP.HCM: "Thiết kế, chế tạo và ứng dụng xe phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa cho ruộng lúa", hoàn thành năm 2019. Xe đã được thử nghiệm trên ruộng lầy trồng lúa tại An Giang, kết quả vận hành ổn định, đáp ứng yêu cầu sử dụng thực tế, có thể triển khai sản xuất hàng loạt để cung cấp cho nhà nông.
Thử nghiệm xe phun thuốc trừ sâu tự động (loại 60 lít) trên ruộng lúa.
Hiện nay, việc phun thuốc trừ sâu cho ruộng lúa ở Việt Nam hầu hết vẫn còn thực hiện thủ công, người nông dân trực tiếp dùng bình để phun, xịt trên ruộng. Cách làm này có năng suất thấp, thuốc phun không đều, lượng thuốc phun không chính xác, có thể phun thuốc chưa đủ hoặc quá liều, làm ô nhiễm môi trường và gây độc hại trực tiếp cho sức khoẻ người phun.
Thực tế trong nước đã có nhiều loại máy phun thuốc, bình xịt thuốc (giá bán chỉ từ vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng). Tuy nhiên, các thiết bị này vẫn ở dạng bình xịt tự động, bình xịt cầm tay (nông dân phải mang vác trên lưng). Cũng đã có các thiết bị tự lắp ghép, các sáng tạo xe phun thuốc,… nhưng khả năng tự hành chưa cao.
Riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm sáng tạo để phun thuốc trừ sâu có nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo nhu cầu (phun theo diện tích thửa của mỗi chủ ruộng). Các sản phẩm này có ưu điểm là đơn giản, dễ sử dụng, giá thành thấp nhưng đem lại kết quả khá tốt. Tuy nhiên, sản phẩm được thiết kế theo dạng đơn chiếc, khó nhân bản; chưa tối ưu về vật liệu, năng lượng; độ ổn định, độ bền không cao khi hoạt động trong điều kiện mưa nắng và độ ẩm cao; các xe hầu hết cần có người lái (thêm trọng tải, tốn nhiên liệu, có thể lún sâu thêm và đè lúa mạnh). Một số sản phẩm điều khiển từ xa sử dụng bộ điều khiển Trung Quốc, chỉ cho phép điều khiển tầm ngắn (không quá 200m), không ổn định và chỉ đơn thuần điều khiển cho xe chạy.
Vận hành thử nghiệm xe phun thuốc trừ sâu (loại 120 lít) trên ruộng lúa.
Do đó, xe phun thuốc trừ sâu tự hành được nhóm thiết kế chế tạo hoàn thiện hơn, với nhiều ưu điểm như: công suất phun cao, vận hành linh hoạt trên mọi địa hình đồng ruộng (kể cả ruộng lầy, mức nước ngập tới 40 cm, mức bùn lún sâu tới 30 cm) và giảm gây hại cho lúa (không làm nát lúa). Xe điều khiển từ xa, tự di chuyển theo đường thẳng nhờ cảm biến chuyển động được tích hợp trên bộ điều khiển, vừa giảm bớt thao tác cho người sử dụng, vừa đảm bảo quy trình phun đúng và hạn chế ảnh hưởng độc hại cho người điều khiển.
Cụ thể, xe sử dụng động cơ xăng 5,5/6,5 HP; bình thuốc 60/120 lít; năng suất phun 2-3 ha/h; dàn phun 8-12 m, có thể thay đổi độ phun từ gốc tới ngọn lúa; tầm điều khiển tối đa 500m (trong mọi điều kiện thời tiết và không gian); hoạt động ổn định, độ bền cao, dễ vận hành, bảo trì bảo dưỡng.
Hiện tại, sản phẩm đã sẵn sàng chuyển giao sản xuất thương mại với giá thành rẻ (khoảng 30-50 triệu đồng/xe, tùy theo kích cỡ) để đưa vào sử dụng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như trên cả nước, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nhà đầu tư.
Bộ điều khiển từ xa không dây cho xe phun thuốc.
Thông tin của Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang cho biết, nông dân tại địa phương này sử dụng trên 7.600 tấn thuốc bảo vệ thực vật/năm, với trên 1.000 người phun thuốc trừ sâu, phương tiện bảo hộ lao động không đầy đủ, hoạt động phun xịt tốn rất nhiều chi phí về thuốc nhưng hiệu quả chưa tương xứng. Ngoài ra, từ những năm 2009-2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động chương trình xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, với diện tích tham gia mô hình hằng năm của cả nước trên dưới 35.000 ha, giúp tiết kiệm cho nông dân trên 160 tỷ đồng/năm. Trong đó, An Giang là tỉnh tiên phong thực hiện thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn, đặt ra nhiều vấn đề về cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất lúa, trong đó có khâu phun thuốc trừ sâu.
Vì vậy, có thể thấy nhu cầu sử dụng các thiết bị tự động phun thuốc trừ sâu của nông dân còn rất lớn và đây là thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có đam mê với cơ khí chế tạo máy, ứng dụng tự động hóa cho khâu phun thuốc trừ sâu, góp phần đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Nhóm chế tạo đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất các sản phẩm xe tự động phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa có bình chứa 60 lít (dùng cho cỡ ruộng nhỏ 2.000-5.000 m2) và xe có bình chứa 120 lít (cho cỡ ruộng kích thước lớn hơn 10.000 m2).
Các đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị cơ khí nông nghiệp quan tâm hợp tác, đầu tư có thể ĐĂNG KÝ TẠI ĐÂY để được kết nối với nhóm nghiên cứu, hoặc liên hệ theo địa chỉ: Phòng Cung cấp Thông tin, 79 Trương Định, Quận 1, TP.HCM. ĐT: 028.3824.3826 – 0909283777 (Chị Hà), email: [email protected].
|
Vân Nguyễn (CESTI)