SpStinet - vwpChiTiet

 

Ngày 16/12: Kết nối ý tưởng công nghệ bảo quản trái mãng cầu

Từ nhu cầu bảo quản mãng cầu "giữ được mùi vị, màu sắc, trái không bị sượng, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng" của doanh nghiệp, trên cơ sở khảo sát các nguồn cung, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) sẽ tổ chức sự kiện Kết nối ý tưởng về bảo quản mãng cầu tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1).

Trái mãng cầu (quả na) được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và được xếp vào loại trái cây nhiệt đới có giá trị. Trong những năm gần đây, diện tích và sản lượng mãng cầu trên thế giới tăng mạnh. Tại Việt Nam, mãng cầu được trồng trên khắp cả nước (tập trung nhiều ở vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long). Trong đó, Tây Ninh có diện tích trồng lớn nhất cả nước (khoảng hơn 3.000 ha, sản lượng hơn 23.000 tấn/năm).

Tuy có giá trị hàng hóa lớn, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, nhưng mãng cầu lại là loại trái cây hô hấp đột biến (climacteric fruits), có thời gian lưu trữ rất ngắn, do quá trình chín nhanh sau thu hoạch. Sự mềm (giảm độ cứng) của trái làm giảm chất lượng và là nhược điểm chính của loại trái cây này. Trên thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu mãng cầu gặp rất nhiều khó khăn trong khâu bảo quản loại trái cây này, do quy trình bảo quản đơn giản, sử dụng bao xốp để bảo quản trước khi cho vào thùng carton, chưa ức chế được ethylene nội sinh sinh ra từ trái mãng cầu, nên quá trình chín diễn ra rất nhanh, từ đó khiến cho tỷ lệ hư hỏng, hao hụt lớn, trái nhanh bị mềm, dễ dập khi vận chuyển.

Hiện có khá nhiều phương pháp bảo quản mãng cầu, từ phương pháp hóa học (sử dụng hóa chất), lý học (nhiệt độ, điều chỉnh thành phần không khí) đến sinh học (màng và các chất có hoạt tính sinh học),…Trong đó, chitosan đã được chứng minh có các hoạt tính sinh học khác nhau như kháng oxy hóa, giảm cholesterol, kháng khuẩn, kháng nấm và còn là thành phần của khẩu phần ăn dành cho người giảm cân. Các chức năng này kết hợp với tính không độc, tương thích sinh học cao và phân hủy tự nhiên đã làm nó trở thành một polymer có tiềm năng ứng dụng rất lớn như ứng dụng bảo quản thực phẩm, bảo quản trái cây tươi,…Zeolite là tên chung chỉ một họ vật liệu khoáng vô cơ có cùng thành phần là aluminosilicat. Nhờ cấu trúc tinh thể rỗng, Zeolit có khả năng hấp phụ và chọn lọc cao nên được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất nước giải khát, loại bỏ kim loại nặng và các chất độc hại khác trong thực phẩm bổ sung, ứng dụng bao gói sản phẩm, bảo quản nông sản,…

Một số kết quả nghiên cứu trong nước về bảo quản trái mãng cầu sử dụng chitosan cho thấy, mãng cầu được phủ chitosan 2% và bọc trong túi polyethylene có tỷ lệ chín thấp hơn 30% so với đối chứng (chỉ bọc trong túi polyethylene hoặc không được xử lý). Ngoài ra, mãng cầu được xử lý chitosan giúp duy trì chất lượng tốt hơn, giá trị cảm quan cao và giá trị dinh dưỡng trong thời gian lưu trữ là 12 ngày ở 100C.

Kết quả của đề tài “Hoàn thiện quy trình bảo quản mãng cầu dai ở quy mô pilot bằng phương pháp xử lý chitosan kết hợp Zeolite/Cu2+ do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao (TP.HCM) thực hiện cho thấy, sử dụng dung dịch chitosan 2% kết hợp với Zeolite/Cu2+ (6 gói/thùng mãng cầu 20 kg) giúp tăng thời gian bảo quản mãng cầu lên 1,5-2 lần so với bảo quản bằng phương pháp thông thường. Áp dụng tại doanh nghiệp cho kết quả tốt (ở 300 ± 20C, 80 ± 5% RH có thời hạn bảo quản lên đến 5 ngày, cao hơn so với quy trình bảo quản bằng bao xốp). Đồng thời, chất lượng cảm quan của mẫu mãng cầu bảo quản bằng chitosan kết hợp zeolite/Cu2+ tốt hơn, giảm thất thoát sau thu hoạch, thuận tiện cho vận chuyển sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, chất lượng trái mãng cầu vẫn đảm bảo khi đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, việc ứng dụng các công nghệ kéo dài thời gian bảo quản, tăng chất lượng và giá trị của trái mãng cầu, phục vụ cho việc xuất khẩu là nhu cầu cần thiết hiện nay giúp tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, kinh doanh.

  Kết nối ý tưởng là một trong hai mô hình của chuỗi hoạt động “Cà phê công nghệ” được CESTI triển khai tổ chức trong năm 2020 nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với nhiều chuyên gia, đơn vị cung ứng để được tư vấn các giải pháp công nghệ phù hợp nhất với năng lực sản xuất và phát triển của mình, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực.

Trên cơ sở "đặt hàng" cụ thể của các doanh nghiệp, CESTI sẽ tổ chức chương trình Kết nối ý tưởng với chủ đề “Công nghệ bảo quản trái mãng cầu” nhằm kết nối các bên cung - cầu liên quan đến công nghệ bảo quản mãng cầu với các quy mô công suất từ 40-80 tấn/năm hoặc 5 tấn/ngày, thời gian bảo quản 7-10 ngày, giữ được mùi vị, màu sắc quả. Tại sự kiện, các nhà cung ứng, chuyên gia sẽ trực tiếp giới thiệu những giải pháp công nghệ có thể đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Từ đây, doanh nghiệp sẽ chọn các nhà cung ứng công nghệ có các giải pháp phù hợp để thương thảo các nội dung hợp tác, chuyển giao công nghệ.

Các đơn vị, nhà cung ứng giải pháp, công nghệ bảo quản trái mãng cầu, các chuyên gia tư vấn muốn tham gia sự kiện, vui lòng điền đầy đủ thông tin theo mẫu đăng ký Cung ứng công nghệ.

Các đơn vị, cá nhân có nhu cầu tham gia sự kiện, tìm hiểu thông tin về công nghệ bảo quản trái mãng cầu, vui lòng điền đầy đủ thông tin theo mẫu đăng ký Tham dự sự kiện.

Hoặc liên hệ trực tiếp tại: Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (Phòng Thông tin Công nghệ), 79 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM. Điện thoại: 028 3521 0735, 0939.006.191 (gặp chị Dung). Email: [email protected].

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả