SpStinet - vwpChiTiet

 

Thiện chí hợp tác sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ

Nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, phát triển và chuyển giao công nghệ đã được ký ngay tại sự kiện Hợp tác công nghệ "Công nghệ đốt rác bằng hồ quang điện", giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp, là minh chứng cho nhận định này.

Sự kiện do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức ngày 17/11, thu hút rất đông các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh thiết bị xử lý rác, dịch vụ xử lý môi trường, xử lý chất thải nguy hại, cho thấy nhu cầu ứng dụng công nghệ xử lý chất thải nguy hại là rất lớn.

Hiện nay, ở Việt Nam, tổng lượng phát sinh rác thải (bao gồm rác sinh hoạt, rác công nghiệp và rác y tế) đã vượt 27 triệu tấn/năm, trong đó có hàng triệu tấn rác nguy hại mà chúng ta chưa có đủ thiết bị và công nghệ để xử lý triệt để. Nếu chỉ tính riêng TP.HCM, mỗi ngày cũng phát sinh gần 10.000 tấn rác thải các loại. Các phương pháp xử lý phổ biến là tái chế, chôn lấp, làm phân vi sinh và thiêu đốt. Tuy nhiên, phương pháp chôn lấp chiếm nhiều diện tích đất, thời gian phân hủy kéo dài, phát tán khí ô nhiễm, mùi hôi, vi sinh vật (lây lan dịch bệnh) và nước rỉ rác (gây ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm). Sắp tới, Nhà nước sẽ hạn chế tỷ lệ chôn lấp rác thải. Phương pháp chế biến phân vi sinh chưa khả thi vì rác chưa được phân loại tại nguồn, do đó phân compost sản xuất ra chưa đảm bảo tiêu chuẩn cho cây lương thực. Vì vậy, công nghệ thích hợp và hiệu quả để xử lý rác thải (đặc biệt là rác nguy hại) chính là xử lý bằng nhiệt trong các lò đốt rác (phương pháp thiêu đốt).

Lò đốt rác bằng hồ quang điện, đối tượng được giới thiệu, trao đổi, thảo luận tại sự kiện, là kết quả của đề tài nghiên cứu do Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thực hiện, được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp kinh phí và nghiệm thu năm 2019.

PGS.TS Lê Văn Lữ (Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) giới thiệu công nghệ đốt rác bằng hồ quang điện.

PGS.TS Lê Văn Lữ, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết, trong công nghệ lò đốt rác, quan trọng nhất là buồng đốt thứ cấp, nơi xử lý khí độc hại còn tồn tại (dioxin, furan) để cho ra khí thải đạt quy chuẩn. Nhiệt độ buồng đốt thứ cấp càng cao thì càng xử lý triệt để dioxin, furan. Tuy nhiên, các lò đốt rác ở Việt Nam hiện nay chủ yếu đốt bằng nhiên liệu nên chỉ đạt nhiệt độ thứ cấp đến 1.2000C, nồng độ phát thải chất ô nhiễm dioxin/furans thường vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt khi đốt các chất thải nguy hại.

Với lò đốt rác bằng hồ quang điện được nhóm chế tạo, lần đầu tiên đã ứng dụng thành công ngọn lửa hồ quang tạo nhiệt đốt thứ cấp trên 1.5000C, nên lượng phát thải dioxin/furans đạt quy chuẩn (thấp hơn 5 lần so với các lò đốt rác hiện hành). Lò sử dụng nguồn điện lưới 220V, với điện cực graphit phủ lớp bảo vệ bằng hợp kim nhôm-niken. Quá trình phát nhiệt được điều khiển tự động hoàn toàn. Ngoài ra, lò còn có nhiều ưu điểm như giảm loại khí thải và tải tượng khí ô nhiễm phát sinh; có thể đốt nhiệt phân chất thải: thu khí tổng hợp cho sản xuất và phát điện; so với công nghệ plasma, hồ quang điện có chi phí đầu tư và vận hành thấp hơn nhưng hiệu suất sử dụng nhiệt cao hơn, thiết bị phát hồ quang điện dễ bảo trì, chi phí xử lý chất thải nguy hại giảm từ 50-70%,…

Đến với chương trình Hợp tác công nghệ, các nhà khoa học mong muốn đưa sản phẩm ứng dụng rộng rãi vào hoạt động xử lý chất thải ở Việt Nam, cũng như có thêm nguồn lực để hoàn thiện và phát triển công nghệ hơn nữa.

Các trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin tại sự kiện.

Ông Lê Châu Bào (Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH CNSH Sài Gòn Xanh) chia sẻ, là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác sinh hoạt và rác nguy hại, Sài Gòn Xanh luôn mong muốn tìm kiếm những giải pháp khả thi, cũng như đồng hành cùng các nhà khoa học để giải quyết những bất cập còn tồn tại liên quan đến xử lý môi trường. Đến với Hợp tác công nghệ lần này, Sài Gòn Xanh chủ trương hợp tác đa hướng, trong đó sẵn sàng hợp tác với đơn vị nghiên cứu để hoàn thiện và chuyển giao công nghệ đốt rác hồ quang điện. Do vậy, Sài Gòn Xanh là một trong những đơn vị đã ký kết ngay bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tại sự kiện. Sau chương trình, hai bên sẽ tiếp tục có những thảo luận sâu về hợp tác, triển khai ứng dụng công nghệ, đầu tiên có thể là tại Sài Gòn Xanh, sau đó phát triển sản phẩm ứng dụng rộng rãi.

Được biết, trước khi tổ chức chương trình Hợp tác công nghệ đốt rác bằng hồ quang điện, CESTI đã tiến hành khảo sát nhu cầu thực tế của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết bị xử lý rác, dịch vụ xử lý môi trường, xử lý chất thải nguy hại. Kết quả cho thấy, việc triển khai áp dụng công nghệ đốt rác bằng hồ quang điện hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, cũng như mang lại lợi ích bảo vệ môi trường trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, chương trình đã thu hút nhiều đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp thực sự quan tâm và tìm hiểu, chia sẻ thông tin.  

Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) phát biểu tại sự kiện.

Bà Bùi Thanh Bằng (Giám đốc CESTI) cho biết, ghi nhận lớn nhất từ chương trình Hợp tác công nghệ chính là thiện chí tìm hiểu, trao đổi, thảo luận, tạo cơ sở đi đến hợp tác, chuyển giao và ứng dụng công nghệ. Sau chương trình, CESTI sẽ tiếp tục kết nối, hỗ trợ các bên có những buổi làm việc, thảo luận sâu hơn để có thể chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm ra thị trường.

Nguồn chất thải hữu cơ khó phân hủy ở Việt Nam, với lượng tồn đọng ngày càng nhiều, là thách thức lớn cho công tác xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường, nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học tham gia giải quyết. Muốn có giải pháp khả thi, cần kết hợp 3 nhà (nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp). Chương trình Hợp tác công nghệ đã làm tốt vai trò kết nối, tạo cơ hội để triển khai rộng rãi lò đốt rác bằng hồ quang điện. Để xử lý rác thải, chất thải tại Việt Nam, con đường khả thi nhất là người Việt và công nghệ, sản phẩm của người Việt, không nên trông đợi từ nước ngoài, TS. Lữ khẳng định.

Hình ảnh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác công nghệ tại sự kiện.

Hợp tác công nghệ là mô hình mới được CESTI triển khai trong năm 2020 nhằm giới thiệu các giải pháp công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ đến các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, qua đó tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu, đầu tư phát triển sản phẩm và chuyển giao công nghệ vào sản xuất.

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả