Ngày 2/12, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Thiết bị bay Agridrone Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu “Thiết bị bay phun thuốc trong canh tác nông nghiệp công nghệ cao”. Đây là giải pháp sử dụng drone để canh tác và số hóa bản đồ nông nghiệp công nghệ cao.
Theo đại diện Công ty Agridrone, việc sử dụng thiết bị bay sẽ giúp tiết kiệm đến 90% nước so với việc dùng bình xịt tay, tức là thay vì phải dùng 200 lít nước/ha thì chỉ còn khoảng 20 lít/ha, nhờ vào công nghệ phun sương cho mật độ rải đều khắp ruộng.
Đại diện Công ty Agridrone giới thiệu cách sử dụng thiết bị bay.
Trong 2 năm trở lại đây, việc sử dụng thiết bị bay thay thế cho lao động phổ thông đang được Agridrone phổ biến rộng rãi. Cụ thể, ở giai đoạn 2019-2020, chỉ sau 15 tháng triển khai tại 20 tỉnh thành khắp cả nước, các sản phẩm drone đã phục vụ canh tác cho 600.000 ha đất nông nghiệp, với hiệu quả kinh tế ước tính tăng 30-50 lần so với công lao động phổ thông. Trong đó, chi phí khi sử dụng drone để phun thuốc trừ sâu giảm 2,5 triệu đồng, lại tránh được trường hợp đạp lên lúa trong quá trình phun.
Thực tế cho thấy, phun thuốc trừ sâu là một công việc nặng nhọc. Ngay cả khi chi phí lao động tăng lên thì cũng rất khó để có thể tìm được lao động vào thời điểm công việc đồng áng bận rộn, khi sâu bệnh bùng phát, lại cần cấp bách tập trung nhân công trong 3-5 ngày. Việc thiếu hụt lao động hoàn toàn có thể cải thiện bằng các dịch vụ bảo vệ thực vật chuyên nghiệp, hiệu quả như drone với hiệu suất đạt 60.000 m2/giờ/thiết bị, tốc độ phun 10 phút/ha (tùy theo loại thuốc và địa hình), nhanh gấp hàng chục lần so với phương pháp phun truyền thống. Mặt khác, quá trình vận hành drone có thể tiến hành tự động hoàn toàn theo các lịch trình bay cài đặt sẵn, vận hành ngay trong đêm ở cả địa hình đồi núi, phun đều các mặt lá để diệt trừ sâu bệnh.
Sản phẩm tiêu biểu là DJI Agras MG-1P. Thiết bị bay này được trang bị bình chứa 10 lít, hệ thống phun sương hạt mịn 100𝝁𝒎, hiệu suất phun 6 ha/giờ, có trang bị radar tránh vật cản, giữ độ cao giúp hoạt động tốt mọi địa hình. Với hệ thống tám cánh quạt, MG-1P sử dụng thuật toán điều khiển và đẩy tiên tiến giúp đảm bảo an toàn cho chuyến bay ngay cả khi một cánh tay hoặc động cơ bị gãy trong khi bay, đồng thời cho phép hệ thống định tuyến lại các tín hiệu điều khiển trong quá trình hoạt động trong trường hợp cần thiết.
Hay DJI Agras T20 có khả năng rải hỗ trợ (lắp thêm bộ phận rải hỗ trợ chỉ mất 3 phút) trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như gieo hạt bổ sung trên đồng cỏ, rải hạt phân bón rắn và rải hạt thức ăn cho các đìa tôm, giúp dễ dàng hoàn thành công việc, đồng thời hạt được rải đồng đều. Ở mô hình gieo lúa thẳng, tính năng rải hỗ trợ có thể tăng hiệu quả công việc gấp khoảng 70 lần sức lao động phổ thông. Thiết bị bay này được trang bị radar kỹ thuật số đa hướng, có thể xác định chướng ngại vật nằm ngang ở mọi hướng, nên có khả năng tự động vượt qua chướng ngại vật để đảm bảo an toàn.
Sở hữu cảm biến chuyên dụng theo dõi quang phổ NVDI – thông số dùng để phân tích thảm thực vật, các sản phẩm như DJI Phantom 4 Multispectral hay DJI Phantom 4 RTK còn có khả năng phân tích sức khoẻ cây trồng hoặc phân tích địa hình, phục vụ cho quá trình số hóa bản đồ thông qua việc vận dụng trí tuệ nhân tạo để thu thập và phân tích dữ liệu. Từ đó, người canh tác có thể xác định được điểm “stress” của cây trồng, khu vực cỏ dại gây hại cần xử lý, thiết lập hành trình bay để can thiệp kịp thời và nhanh chóng.
Lắp đặt drone canh tác trên ruộng lúa. Ảnh: Agridrone.
Các thiết bị bay do Công ty Agridrone cung cấp có thể vận hành dễ dàng theo 1 trong 5 phương pháp: điều khiển bằng tay, cho bay theo Google Map bằng ứng dụng, bay theo camera FPV, bay tự động bằng phần mềm GS Pro, bay tự động bằng mô-đun định vị chính xác cao RTK. Toàn bộ kế hoạch và lịch sử bay đều được ghi nhận trạng thái bay thông qua giao tiếp 4G, truyền tín hiệu và hình ảnh video ở khoảng cách 3.000 m. Drone hoạt động trên nền tảng Dịch vụ Nông nghiệp DJI, sẵn sàng cung cấp các báo cáo dữ liệu, hồ sơ hoạt động và một số chức năng thực tế khác để cải thiện hiệu quả hoạt động cho thiết bị bay. Quá trình huấn luyện bay chỉ mất khoảng 2 ngày.
Doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu vui lòng liên hệ Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI) để được kết nối và hưởng ưu đãi với nhà cung ứng.
Hoàng Kim (CESTI)