Có 10 cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc nhất trong năm 2020 được vinh danh và trao thưởng I-Star 2020, mỗi giải trị giá 50 triệu đồng.
Cụ thể, ở nhóm 1 (các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo), 3 startup đình đám trong năm đã nhận được giải thưởng, đó là “Ứng dụng gọi xe Be” của Công ty Cổ phần BE Group với câu chuyện “thành công từ sức mạnh nội địa”; dự án “Triip – Nền kinh tế du lịch phi tập trung” của Công ty Triip Pte Ltd giúp các đối tác bán hàng tiết kiệm từ 50% đến 90%; và ứng dụng “BravoHR - Ứng dụng công nghệ vào quản lý nhân sự” của Công ty BravoHR.
Trao giải nhóm 1 của giải thưởng I-Star 2020.
BE Group được giới thiệu là startup công nghệ Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực vận tải công nghệ với sản phẩm nổi bật là Ứng dụng gọi xe Be. Lăn bánh trên thị trường từ tháng 12/2018, chỉ sau 18 tháng, Be đã vươn lên mạnh mẽ, giữ thị phần thứ 2 về gọi xe tại Việt Nam và đang trên đà phát triển thành một đại diện tiêu biểu của xu hướng mobility trong bối cảnh mới. Ứng dụng gọi xe Be cung cấp nhiều dịch vụ, bao gồm beBike (đặt xe 2 bánh), beCar (đặt xe 4 bánh), beTaxi (đặt xe taxi); thuê xe theo giờ; đặt vé xe khách; be Đi chợ (dịch vụ đi chợ hộ); beExpress (chuyển phát, bưu chính); beDelivery (dịch vụ giao hàng);… Các sản phẩm của BE Group mang đến giải pháp liên kết các dịch vụ và hỗ trợ giao dịch, mở ra một hệ sinh thái số tiềm năng sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp khác cùng hợp tác và phát triển.
Trao giải nhóm 2.
Các nhóm dự án giành được giải thưởng I-Star ở nhóm 2 (các giải pháp đổi mới sáng tạo) là dự án “Cây ATM gạo - khẩu trang cho những người khó khăn trong dịch Covid-19” của Công ty Cổ phần Vũ trụ Xanh và dự án “S4Life – Ứng dụng hiến máu cứu người” của Quận đoàn 1. Được biết, “Cây ATM gạo – khẩu trang” là một giải pháp thiện nguyện hữu ích trong cộng đồng, góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo khắp cả nước. Sau khi được triển khai ở TP.HCM, hàng loạt các địa phương khác như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Lào Cai, Hậu Giang, Nha Trang,… cũng xuất hiện các “cây ATM gạo-khẩu trang” do nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức cùng chung tay thực hiện. Còn dự án “S4Life – Ứng dụng hiến máu cứu người” cho phép kêu gọi hiến máu khi cần thiết, đồng thời hỗ trợ nhà quản lý trong việc theo dõi, thống kê quá trình hiến máu và số lượng dự trữ nhằm hỗ trợ công tác điều trị, cứu người.
Các tác giả nhận giải thưởng I-Star nhóm 3.
Trong nhóm 3 (tác phẩm truyền thông), nhà báo Trần Trọng Nhân (Báo Tuổi Trẻ) và nhà báo Minh Tâm (Thời báo Kinh tế Sài Gòn) đã nhận được giải thưởng I-Star 2020 với hai sản phẩm đặc biệt là chuyên trang Đổi mới sáng tạo (báo Tuổi Trẻ) và tác phẩm “Chọn con đường khó để tái chế rác thải nhựa” (Thời báo Kinh tế Sài Gòn).
Trong nhóm 4 (những tổ chức/cá nhân có đóng góp tích cực đến hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo), các tổ chức được trao giải là Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam, Seed Planter và HCMUT-TBI (Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ thuộc trường Đại học Bách Khoa TP.HCM).
Trao giải nhóm 4.
I-Star là giải thưởng thường niên do Ủy ban nhân dân TP.HCM chủ trì nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố. Đây là lần thứ 3 liên tiếp giải thưởng được tổ chức, năm nay ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của các hồ sơ dự thi với 303 hồ sơ tham dự trên nhiều lĩnh vực phong phú. Trong đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia dự thi đông đảo nhất với chất lượng vượt trội và số lượng gần gấp đôi so với năm đầu tiên, chứng tỏ hệ sinh thái khởi nghiệp của TP.HCM đã bắt đầu vững vàng sau nhiều năm được đầu tư, ươm tạo và phát triển.
Cuộc thi Lập trình AI – Hackathon 2020 cũng đã trao 14 giải khuyến khích, 2 giải ba, 2 giải nhì và 1 giải nhất. Trước đó, sáng 28/11 đã diễn ra vòng chung kết của cuộc thi (hình thức thi trực tiếp – đối kháng), 20 đội tham dự (đến từ các trường đại học trên địa bàn TP.HCM) đã có những trận đấu trí tuệ nhân tạo gay cấn và hồi hộp, cùng giải quyết bài toán do ban tổ chức đưa ra là: xử lý thông minh các dữ liệu mà người dân phản hồi cung cấp trên hệ thống xử lý thông minh của Thành phố, nhằm hỗ trợ việc xử trí chính xác, nhanh, kịp thời các sự việc quan trọng, cũng như giảm áp lực của nhân viên xử lý hệ thống thông qua phát triển các thuật toán AI.
Trao giải cuộc thi lập trình AI-Hackathon 2020.
Cuộc thi Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng Trí tuệ nhân tạo TP.HCM (HAI-2020) trao 3 giải xuất sắc (100 triệu đồng/giải) cho các dự án Tầm soát bệnh Glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo EYEDR (tác giả Phạm Thị Thủy Tiên - Bệnh viện Mắt TP.HCM), dự án Xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái (Phạm Thanh Toàn - Công ty CP Công nghệ thông minh MiSmart), dự án Music ID (Lương Công Trung Nguyên - Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM); 1 giải ấn tượng (20 triệu đồng) cho dự án LTVSchoolBus – Hệ thống điểm danh, phát hiện học sinh vắng hoặc chưa xuống xe bằng mô hình Deep Learning (nhóm học sinh trường THPT chuyên Lương Thế Vinh – Đồng Nai); và 5 giải khuyến khích (50 triệu đồng/giải) cho các dự án Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nuôi trồng thủy sản, dự án Phát triển hệ thống ứng dụng AI hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa vào ảnh não MRI, dự án Ứng dụng tích hợp AI phát hiện các bệnh về da và kết nối bác sĩ da liễu, dự án Bot bán hàng và dự án Hệ thống IoT xác định âm thanh và các tín hiệu bất thường cho máy công nghiệp.
Trao giải cuộc thi HAI 2020.
Cuộc thi HAI 2020 do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM và Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN phối hợp tổ chức. Đối tượng tham gia là các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ AI trong sản xuất, kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, nông nghiệp và phục vụ cộng đồng xã hội. Theo ban tổ chức, HAI-2020 đã nhận được 108 dự án đăng ký tham dự. Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 50 dự án nổi bật vào vòng tiếp theo, sau đó chọn ra 20 dự án xuất sắc vào vòng bán kết và tham gia ươm tạo tại các vườn ươm (với kinh phí hỗ trợ ươm tạo tối đa 200 triệu đồng/dự án). Sau 3 tháng ươm tạo, 20 dự án hoàn thiện thêm và bước vào vòng chung kết trao giải, điểm chung nổi bật là có tính thực tiễn cao, ứng dụng thực tiễn trong nhiều lĩnh vực y tế, giao thông, nông nghiệp, bán lẻ,...
Ông Dương Anh Đức (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) phát biểu bế mạc chuỗi WHISE – TECHFEST – AI4VN 2020.
Phát biểu bế mạc Tuần lễ WHISE – TECHFEST – AI4VN 2020, ông Dương Anh Đức (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) cho biết, chuỗi sự kiện đã thu hút được sự quan tâm của các lãnh đạo bộ ngành Trung ương, sở ban ngành Thành phố, các chuyên gia, cộng đồng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cộng đồng doanh nghiệp, khởi nghiệp. UBND Thành phố xin tiếp thu ý kiến chỉ đạo và định hướng triển khai của các đồng chí lãnh đạo, đồng thời ghi nhận tất cả các ý kiến tham luận, góp ý, đề xuất của các diễn giả trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Tuần lễ này.
Trên cơ sở đó, UBND Thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện và tham mưu UBND Thành phố phê duyệt, ban hành chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030". Đây là nền tảng vững chắc cho việc hoàn thành mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, giúp Thành phố tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới; phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Lam Vân (CESTI)