SpStinet - vwpChiTiet

 

Bộ Công Thương - Nhật Bản: Tiếp tục hợp tác đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp

Năm 2020, do dịch Covid-19 nên quá trình triển khai Chương trình mô hình đào tạo kỹ sư thực hành KOSEN (dự án) giữa Bộ Công Thương (MOIT) và Nhật Bản gặp một số khó khăn, tuy nhiên hiện chương trình đã có bước tiến khả quan.

Đây là đánh giá được đại diện Bộ Công Thương và Nhật Bản đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết hợp tác MOIT-KOSEN năm 2020, tổ chức ngày 17/3/2021.

Bộ Công Thương - Nhật Bản: Tiếp tục hợp tác đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp
Hội nghị trực tuyến tổng kết hợp tác MOIT-KOSEN năm 2020

Mô hình đào tạo kỹ sư thực hành KOSEN (dự án) là chương trình nhằm phát huy thế mạnh của giáo dục công nghệ cho các tổ chức và góp phần phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp ở Việt Nam được Bộ Công Thương (MOIT) và Tổ chức trường Công nghệ quốc gia Nhật Bản (KOSEN) triển khai hợp tác từ năm 2018. Dự án đào tạo này được thí điểm tại 3 trường cao đẳng gồm: Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại (COIT), Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HUE-IC), Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (CTTC). Giai đoạn 2020-2021 tổng số sinh viên dự kiến đào tạo là 250 em.

Theo Bộ Công Thương, năm 2020, tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng khá lớn đến nhiều hoạt động của chương trình đào tạo, trong đó nhiều hoạt động trao đổi đoàn qua lại giữa hai bên bị đóng băng hoàn toàn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương - cho hay, với sự nỗ lực điều phối tích cực của Bộ Công Thương và hỗ trợ của KOSEN, cũng như sự tham gia tích cực của các trường thí điểm nên chương trình đào tạo trong năm 2020 đạt được một số kết quả tích cực.

Báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ cho thấy, các trường đã tiếp tục triển khai thành công công tác tuyển sinh, thu hút 264 em tham gia đào tạo trong ngành điện - điện tử, điện tử - công nghiệp và cơ điện tử; đồng thời căn cứ theo chuẩn đầu ra cùng định hướng của dự án cho tất cả các ngành học, các trường đã áp dụng xây dựng chương trình môn học có hệ thống rõ ràng, giúp học sinh dễ dàng định hướng và nắm tiến trình học tập; đưa nội dung 5S và an toàn lao động vào đào tạo kỹ năng cho sinh viên; tăng cường lồng ghép giáo dục nâng cao kỹ năng trong các giờ học lý thuyết lẫn thực hành; cải tiến chương trình đào tạo, áp dụng phương pháp học tập tích cực trong nhà trường, triển khai chương trình PBL và thử nghiệm áp dụng chương trình EDE…

Trong tổng số 3 trường tham gia dự án, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế và Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại thống nhất triển khai đào tạo mô hình 9+5, trong khi đó đối với Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng chỉ tuyển sinh đối với học sinh đã tốt nghiệp THPT để đào tạo theo mô hình 12+3. Đồng thời, các hoạt động ngoại khóa, thực tập và nghiên cứu được các trường tích cực triển khai; các chương trình hợp tác với doanh nghiệp được đẩy mạnh, nhằm mở rộng và đa dạng hóa công tác đào tạo. Trong đó một số trường đã giới thiệu mô hình KOSEN đến các doanh nghiệp và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía doanh nghiệp trong công tác đào tạo, kết nối thực hành và tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên khi ra trường.

Bộ Công Thương- Nhật Bản: Tiếp tục hợp tác đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp Việt Nam
Việc gia tăng hợp tác giữa các trường thí điểm mô hình giáo dục KOSEN với doanh nghiệp đặc biệt được chú trọng

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện dự án, các đơn vị đào tạo cũng gặp không ít khó khăn. Như, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của dự án, các chuyên gia Nhật Bản không thể sang Việt Nam theo kế hoạch; các trường thí điểm hạn chế về nhân lực, nguồn tài chính khi triển khai dự án. Theo đại diện Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, hiện nguồn ngân sách của nhà trường chủ yếu là dựa vào học phí từ sinh viên, vì vậy, với lượng sinh viên ít sẽ khó khăn cho việc sử dụng ngân sách, và việc cải tiến hay áp dụng KOSEN khó đi vào chiều sâu. Mặt khác, nhiều giảng viên trong trường chưa hiểu được mô hình KOSEN, cần thời gian để được đào tạo.

Trước những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai dự án, đại diện Bộ Công Thương - ông Nguyễn Thế Hiếu - đã đưa ra một số đề xuất hợp tác trong năm 2021. Cụ thể, cần triển khai và hoàn thiện các thủ tục công nhận chương trình đào tạo của Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại đã xây dựng đạt tiêu chuẩn KOSEN, chuyển giao chương trình, giáo trình; tiếp tục hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo, nhân rộng mô hình đào tạo KOSEN sang các ngành khác; các chuyên gia Nhật Bản phối hợp tham gia quảng bá hình ảnh về mô hình KOSEN cùng các trường; thúc đẩy trao đổi các hoạt động chuyên môn hai bên; đẩy mạnh hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Về phía Nhật Bản, đại diện Tổ chức Trường Công nghệ quốc gia Nhật Bản (KOSEN) - nhấn mạnh, đến nay dự án KOSEN đã có bước tiến khả quan, dù bối cảnh thực hiện có nhiều xáo trộn do dịch Covid-19. Đồng thời, đại diện Nhật Bản đánh giá cao sự hợp tác trong quá trình thực hiện dự án của Bộ Công Thương cũng như các trường tham gia thí điểm đào tạo mô hình KOSEN. Tuy nhiên, để có một kết quả thành công phải dựa vào kết quả học sinh tốt nghiệp được doanh nghiệp đón nhận. Vì vậy, thời gian tới, ngoài nội dung đào tạo, cần phải thúc đẩy nhiều hơn các chương trình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Tại hội nghị, Bộ Công Thương và Tổ chức Trường Công nghệ Quốc gia Nhật Bản (KOSEN) đã thống nhất thông qua chương trình hợp tác năm 2021. Theo đó, KOSEN sẽ triển khai các thế mạnh của giáo dục công nghệ tại 3 trường thí điểm của Bộ Công Thương và chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực công nghiệp tại Việt Nam.

Bộ Công Thương sẽ điều phối các tổ chức liên quan tại Việt Nam, KOSEN sẽ điều phối các tổ chức liên quan tại Nhật Bản, các hoạt động chung liên quan đến giới thiệu mô hình KOSEN cho các trường thí điểm sẽ được hỗ trợ bởi: Trường Cao đẳng Ube, Cao đẳng Hakodate, Cao đẳng Tsuruoka, Cao đẳng Gifu và Cao đẳng Ariake. Văn phòng đại diện KOSEN tại Việt Nam sẽ phối hợp liên lạc giữa các trường thí điểm của Bộ Công Thương với các trường hỗ trợ.

Về nội dung hợp tác, hai bên sẽ tập trung: Xây dựng và triển khai chương trình giảng dạy 3 năm hoặc 5 năm tại các trường thí điểm của Bộ Công Thương dựa trên mô hình giáo dục KOSEN; đào tạo cho cán bộ, giảng viên Việt Nam về mô hình giáo dục KOSEN; trao đổi giảng viên, sinh viên; cung cấp thông tin và tư vấn kỹ thuật về cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm và nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho mô hình giáo dục KOSEN; tăng cường hợp tác giữa các trường với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; tổ chức các cuộc thảo luận bàn tròn để thúc đẩy sự hiểu biết chung về phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp dựa trên mô hình giáo dục KOSEN…

Nguồn: Hoa Quỳnh - Bùi Hùng - congthuong.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả