SpStinet - vwpChiTiet

 

Đầu tư để các viện, trường ở ĐBSCL phát huy vai trò chủ thể nghiên cứu

Nhà nước cần đầu tư mạnh cho các trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng để phát huy hiệu quả vai trò chủ thể nghiên cứu mạnh, có thể đồng hành cùng với các doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động ứng dụng khoa KH-CN và ĐMST. Liên kết này sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh:VGP/Quang Hiếu

Đó là một trong những kiến nghị của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, diễn ra vào sáng 13/3 tại ĐH Cần Thơ nhằm nhìn lại ba năm triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ KH&CN đã tham gia triển khai Nghị quyết 120 bằng cách "huy động đông đảo lực lượng các nhà khoa học trong và ngoài nước tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ KH&CN từ đặt hàng của các Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương vùng ĐBSCL”. Trong đó, có 3 nhiệm vụ chính: Rà soát hệ thống chính sách hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp (nhiệm vụ số 1); triển khai có hiệu quả các nghiên cứu ứng dụng công nghệ nhằm cung cấp luận cứ khoa học và các giải pháp kỹ thuật thông qua các nhiệm vụ thuộc các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia và hợp tác quốc tế theo Nghị định thư với nước ngoài (nhiệm vụ số 2 và 3).

"Các nhiệm vụ KH&CN trên đã triển khai một cách toàn diện, trong đó có: xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển công nghệ dự báo, giám sát hạn hán và xâm nhập mặn, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể trong ứng phó xâm nhập mặn như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy trình và thời gian canh tác… Đồng thời, các nhiệm vụ KH&CN cũng từng bước cung cấp luận cứ khoa học cho các giải pháp tổng thể về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và rà soát hệ thống chính sách hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao các thành tựu KH&CN vào thực tiễn," ông đánh giá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tôm Bạc Liêu, ngày 30/1/2018. Ảnh: VGP

Là người trực tiếp chứng kiến những bước phát triển trong khoa học ở ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, qua 3 năm thực hiện, Nghị quyết 120 của Chính phủ đã thực sự tạo nguồn cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân phát huy tính sáng tạo trong lao động sản xuất, sự chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã chuyển chuyển dịch hơn 19 ngìn hecta lúa 2 vụ ven biển sang mô hình tôm - lúa, giá trị tăng thêm 35%; nâng cao chất lượng giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy cơ sở hạ tầng giữ vững sản lượng lúa 4,5 triệu tấn (năm 2020), trong đó lúa chất lượng cao chiếm trên 80%. Sản lượng thủy sản đạt 836.000 tấn, vượt 110% kế hoạch. "Nhiều mô hình, sáng kiến mới ra đời, từng bước tạo sinh kế bền vững cho người dân trong bối cảnh mới; điển hình là các mô hình: Trồng lúa mùa chất lượng cao kết hợp nuôi tôm càng xanh…", ông cho biết,

Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thời gian sắp tới, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu quản lý tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển bền vững vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025” đã được TTgCP phê duyệt, theo đó, tập trung vào việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

Gắn kết doanh nghiệp với khoa học

Có mặt tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết những kết quả mà các Bộ, ban, ngành, địa phương đã làm được là đáng mừng nhưng “kết quả đó chỉ là bước đầu quan trọng, còn nhiều việc phải làm”.

Thủ tướng chỉ rõ quan điểm chiến lược tiếp cận mới đối với ĐBSCL qua 8 chữ “G”, trong đó chữ G thứ tư là “Gắn” được đặc biệt nhấn mạnh. “Đó là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắn kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững”, Thủ tướng nhận định.

Liên quan đến việc gắn kết các bên để cùng phát triển, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề xuất Nhà nước nên đầu tư vào các trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng như ĐH Cần Thơ, ĐH An Giang, Viện Lúa ĐBSCL… để phát huy hiệu quả vai trò chủ thể nghiên cứu mạnh, có thể đồng hành cùng với các doanh nghiệp là trung tâm của của hoạt động ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Liên kết này sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng lớn, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

“Tôi kiến nghị Cần Thơ nên xây dựng một trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ để thúc đẩy sự ứng dụng của cả vùng, nhất là nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, Bộ trưởng phát biểu.

Để tiếp tục thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong khu vực, Thủ tướng khởi xướng, trong thời gian tới, ĐBSCL sẽ tổ chức một diễn đàn trong khuôn khổ sáng kiến “Đối thoại 2045” nhằm gặp gỡ đội ngũ trí thức, nhà khoa học, các doanh nghiệp, doanh nhân, những người có quá trình gắn bó và đã, đang đầu tư vào vùng đất Chín Rồng để tìm giải pháp cho người dân ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững hơn nữa. Theo Thủ tướng, “Trong chiến lược ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu, tài lực, vật lực là quan trọng nhưng quyết định nhất là nhân lực, là con người, là chất xám, trí tuệ và cả cảm xúc và lòng dũng cảm.”

Nghị quyết số 120/NQ-CP Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đề ra tầm nhìn tới năm 2100, mục tiêu tới năm 2050, định hướng phát triển thịnh vượng, an toàn, bền vững cho vùng đất ĐBSCL giàu tiềm năng và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của đất nước.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả