SpStinet - vwpChiTiet

 

Chào mừng IP Day 2021: Doanh nghiệp nhỏ và vừa với sở hữu trí tuệ

Tài sản trí tuệ có thể tạo ra lợi nhuận kỳ vọng đạt được trong tương lai, từ đó nâng cao giá trị của doanh nghiệp.

Ngày 17/4/2021, Sở KH&CN TP.HCM phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và Đại học Công nghiệp TP.HCM tổ chức diễn đàn “Doanh nghiệp nhỏ và vừa với sở hữu trí tuệ - Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường”. Đây là hoạt động chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2021 (IP Day 2021).

Diễn đàn “Doanh nghiệp nhỏ và vừa với sở hữu trí tuệ - Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường”

Ông Võ Hưng Sơn (Trưởng phòng Quản lý KH&CN Cơ sở - Sở KH&CN TP.HCM) cho biết do sự thiếu hụt về nhân lực, hầu hết doanh nghiệp không có hệ thống quản trị tài sản trí tuệ đầy đủ. Điều này dẫn đến việc tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp chưa có quy chế quản lý, khai thác, gây thất thoát.

Hơn 10 năm qua, TP.HCM liên tục triển khai Chương trình đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ (bao gồm 3 cấp độ Chuyên viên – Trưởng Bộ phận và Giám đốc Tài sản trí tuệ) nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa lớn, hình thành cộng đồng quản trị viên tài sản trí tuệ ở Thành phố. Tuy nhiên, do nội dung kiến thức rất nặng và thời gian học liên tục kéo dài (đến 3 năm cho cấp độ Giám đốc Tài sản trí tuệ), nên số lượng học viên hoàn thành hết cả các cấp độ không nhiều.

Ông Võ Hưng Sơn báo cáo thực trạng quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp ở TP.HCM

Tính đến năm 2020, TP.HCM mới chỉ cấp Giấy chứng nhận cho khoảng 200 học viên đạt cấp độ Chuyên viên Tài sản trí tuệ, 100 học viên đạt cấp độ Trưởng bộ phận Tài sản trí tuệ. Riệng ở cấp độ Giám đốc Tài sản trí tuệ thì có khoảng 60 người. Đây cũng là nguồn nhân lực để tạo dựng mạng lưới chuyên gia về sở hữu trí tuệ. Việc tạo dựng mạng lưới chuyên gia cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong quá trình quản trị tài sản trí tuệ, giảm bớt vai trò hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Willimott Peter (Chuyên gia cấp cao của Văn phòng WIPO tại Singapore) nhấn mạnh, tuy tài sản trí tuệ không nhất thiết phải đăng ký bảo hộ, nhưng đơn bảo hộ có thể giúp doanh nghiệp ngăn chặn được nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tạo lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Hiện nay, WIPO đã có cơ chế “một cửa” nhằm hỗ trợ cho những tổ chức, cá nhân chỉ cần nộp 1 đơn, là có thể được bảo hộ ở nhiều quốc gia (theo danh sách và sự chỉ định), kể cả ở Mỹ, Nhật hoặc châu Âu.  

Trong quá trình tạo lập tài sản trí tuệ có sự phối hợp giữa trường Đại học và doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TP.HCM những năm vừa qua, thì trường Đại học có vai trò làm “nhà máy” sản xuất kinh tế tri thức – các bằng sáng chế, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò tiên phong ứng dụng sáng chế để tạo ra sản phẩm, giải pháp phục vụ xã hội. Do đó, quá trình đưa ý tưởng đến với thị trường cần có sự hợp tác chặt chẽ của các bên, trong đó cơ quan quản lý Nhà nước giữ vai trò trung gian hỗ trợ, kết nối chuyển giao công nghệ.

Nhà nước làm trung gian kết nối nhà trường với nhà doanh nghiệp

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cùng lúc ở nhiều quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp có góc nhìn đa dạng hơn về tài sản trí tuệ và buộc doanh nghiệp phải tìm hiểu thật kỹ trước ra quyết định sản xuất – kinh doanh.

Mặt khác, chỉ khi nắm bắt được lợi nhuận kỳ vọng thu từ việc khai thác các quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp mới có thể xây dựng hồ sơ sở hữu trí tuệ thu hút đầu tư, từ đó việc định giá doanh nghiệp mới có thể chính xác và đạt giá trị cao. Trong nhiều trường hợp, tài sản trí tuệ có giá trị lớn hơn rất nhiều so với tài sản vật chất. Điều này thường xảy ra với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có tính sáng tạo.

Hoàng Kim (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả