Ngày 9-4, Bộ TT-TT đã chính thức khởi động Diễn đàn Thách thức công nghệ số Việt Nam 2021. Diễn đàn chính là diện mạo mới của loạt sự kiện Ngày thứ sáu công nghệ đã diễn ra trong năm 2020, với mục tiêu đi tìm lời giải bằng công nghệ số cho các bài toán Việt Nam.
Công ty An Vui là doanh nghiệp công nghệ đầu tiên tham gia diễn đàn “Thách thức công nghệ số Việt Nam”, với nền tảng quản lý nhà xe thông minh Anvui. Giải pháp quản lý nhà xe thông minh Anvui là nền tảng công nghệ với mục tiêu góp phần số hóa ngành vận tải hành khách đường dài, giúp các doanh nghiệp vận tải hành khách chuyển đổi số, quản trị khoa học, tối ưu hóa giúp giảm bớt lãng phí xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải trước cuộc cách mạng công nghệ.
Giới thiệu về nền tảng quản lý nhà xe thông minh Anvui tại diễn đàn “Thách thức công nghệ số Việt Nam” 2021. Ảnh: T.B.
Theo ông Phan Bá Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty An Vui, bắt đầu được phát triển từ năm 2015, đến nay nền tảng quản lý nhà xe thông minh Anvui đã có 28 module giúp số hóa toàn bộ quy trình vận hành nhà xe. Hiện có trên 150 hãng vận tải, với khoảng 4.000 xe khách đang sử dụng nền tảng Anvui.
Nền tảng Anvui hỗ trợ các nhà xe quản lý bán vé, tài xế, khách hàng, hàng hóa, xăng dầu và tài chính cũng như xây dựng thương hiệu, được cung cấp tổng đài AI, hệ thống định vị GPS, vé và hợp đồng điện tử. Nhờ đó, các nhà xe tiết kiệm được 30% chi phí nhân lực, 60% chi phí giao tiếp và tiết kiệm 30% doanh thu bán vé…
Trước khi Anvui tham gia, thị trường vận tải hành khách Việt Nam có khoảng hơn 21.000 doanh nghiệp. Trong đó 2.000 đơn vị có quy mô lớn đang chiếm 90% thị phần, còn lại hầu hết kinh doanh dưới dạng các hộ gia đình mà mọi người hay gọi là "nhà xe" nhưng lại chỉ chiếm 10% thị phần... "Vào năm 2015, tôi cảm thấy lo ngại nếu các hãng nước ngoài tham gia vào thị trường xe khách đường dài thì ai sẽ giúp các hãng xe nội chuyển đổi số, để có thể giữ lại thị phần và miếng bánh 5,8 tỷ USD/năm. Vì thế, Anvui ra đời để giúp các nhà xe số hóa toàn bộ quy trình hoạt động của mình, thông qua hệ thống các công nghệ như quản lý bán vé, quản lý tổng đài, quản lý hàng hóa, quản lý vé…. ", ông Mạnh cho biết định.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: T.B.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, nếu năm 2020 là năm "đưa chuyển đổi số ra ánh sáng", biến chuyển đổi số thành một khái niệm phổ biến của toàn dân, thì năm 2021 sẽ là năm để chuyển đổi số chủ động đi tìm những nỗi đau, những vấn đề của xã hội để giải.
Đó cũng sẽ chính là tinh thần, kim chỉ nam của chuyển đổi năm trong năm 2021 và được cụ thể hóa rõ nhất bằng chủ đề của Diễn đàn Thách thức công nghệ số Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT-TT khẳng định. Chính vì thế, trong khuôn khổ diễn đàn, các sản phẩm nền tảng sẽ không còn chỉ là để "ra mắt", để xã hội "biết mặt, biết tên", mà sẽ phải được phôi thai và sinh ra từ những nỗi đau của xã hội, mang sứ mệnh là giải các bài toán thách thức của xã hội.
Ông Phan Bá Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty An Vui (bên phải) đối thoại tại diễn đàn. Ảnh T.B
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, thực tiễn triển khai chuyển đổi số trong năm 2020 cho thấy "tìm ra đúng vấn đề của xã hội" thường sẽ khó khăn, thách thức hơn là giải vấn đề đó bằng công nghệ. Trong kỷ nguyên của CMCN 4.0, mọi vấn đề đều có lời giải bằng công nghệ số. Bởi vì, tìm được vấn đề đúng sẽ dẫn đến những lời giải đúng. Xác định được vấn đề đúng đồng nghĩa với việc đã giải được đến 70-80% vấn đề đó. Vì thế, đây là việc quan trọng hơn và cần được ưu tiên hơn.
Với tinh thần đó, trong năm 2021, không chỉ Diễn đàn Thách thức công nghệ số mà nhiều sự kiện khác của Bộ TT-TT về chuyển đổi số sẽ lấy phương châm đi tìm và giải quyết thách thức làm mục tiêu hàng đầu.
Nguồn: Trần Bình - sggp.org.vn