Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sinh trưởng vòng năm và phân vùng sinh thái Pơ Mu (Fokienia Hodginsii) ở Việt Nam
19/10/2013
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Trần Quang Bảo (Đại học Lâm nghiệp) và Vũ Đình Thắng (Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp) thực hiện nghiên cứu đặc điểm cấu trúc và quy luật biến động bề rộng vòng năm của Pơ Mu ở Sơn La; quan hệ giữa bề rộng vòng năm Pơ Mu với các yếu tố khí hậu và cường độ hoạt động mặt trời; phân vùng sinh thái thích hợp cho Pơ Mu ở Việt Nam. Gỗ Pơ Mu rất có giá trị, có độ bền cao không bị mối mọt, ít cong vênh, tinh dầu Pơ Mu mùi thơm có khả năng diệt khuẩn cao. Cây Pơ Mu thường được sử dụng trong nhiều việc khác nhau từ đồ mộc, gia dụng, xây dựng, mỹ nghệ, dược liệu… đến bảo quản, bảo tồn các công trình, đồ vật dưới lòng đất.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cây Pơ Mu giải tích có tuổi là 240 năm, bề rộng vòng năm biến động mạnh theo thời gian và mang tính quy luật theo chu kỳ, dao động trong khoảng từ 9-14 năm. Mỗi năm Pơ Mu hình thành một vòng năm, phần gỗ sớm và phần gỗ muộn trong một vòng năm phân biệt rõ ràng dựa trên sự chuyển màu giữa phần gỗ sớm có màu nâu nhạt sang phần gỗ muộn có màu nâu cánh gián.
Các chỉ tiêu khí hậu đều có ảnh hưởng đến sinh trưởng
của Pơ Mu, tuy nhiên chỉ tiêu khí hậu có ảnh hưởng lớn nhất là nhiệt độ trung bình 12 tháng và chỉ số ẩm từ tháng 5 đến tháng 10. Cường độ hoạt động của mặt trời có ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây Pơ Mu, thể hiện ở mối liên hệ tương đối chặt giữa trị số tương đối của tăng trưởng H21/33 với chỉ số Vollfa (hệ số tương quan r = 0,51). Dựa trên kết quả phân cấp chỉ số ẩm từ tháng 5 đến tháng 10 và các nhân tố sinh thái giới hạn, các tác giả đã phân vùng sinh thái thích hợp cho gây trồng và phát triển Pơ Mu theo 3 chỉ tiêu địa hình, lượng mưa và chỉ số ẩm.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 1/2013)