Xác định và đánh giá nguy cơ ô nhiễm nước ngầm do các loại chất thải khác nhau và bước đầu đề xuất khả năng tái sử dụng của chất thải
30/11/2011
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do TS. Trần Hồng Thái, ThS. Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường) thực hiện nhằm xác định và đánh giá nguy cơ ô nhiễm đối với đất và nước ngầm do các chất thải khác nhau.
Nghiên cứu tiến hành theo phương pháp thí nghiệm cột của bản dự thảo DIN E 19528 (2007) cho các mẫu: chất thải xây dựng (1), tro thải của lò đốt rác thải sinh hoạt (2), xỉ thải nhà máy sản xuất thép (3), đất nhiễm bẩn (4).
Qua phân tích, mẫu tro xỉ từ lò đốt rác sinh hoạt chủ yếu chứa chất ô nhiễm vô cơ (kim loại nặng, muối anion); mẫu đất nhiễm bẩn chứa chất ô nhiễm hữu cơ đa mạch vòng. Phương pháp thí nghiệm cột hiện nay được đánh giá là phương pháp tiên tiến nhất mà có xét đến các điều kiện cấu trúc tự nhiên của đất, những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tạo nước rỉ rác. Tuy nhiên, phương pháp có nhược điểm khi áp dụng vào thực tiễn là thời gian tiến hành đòi hỏi lâu hơn các phương pháp tách lọc khác. Ở đây, thời gian thí nghiệm theo bản dự thảo DIN E 19528 (2007) đã rút ngắn trong một tuần (so với 13-14 ngày đến 1 tháng theo thí nghiệm thông thường) và thích hợp cho phân tích chất hữu cơ đa mạch vòng, là chất dễ bị phân hủy sinh học khi phân tích. Trong điều kiện Việt Nam, để có thể tăng cường sử dụng các nguyên liệu thứ cấp từ các chất thải rắn rất cần có những nghiên cứu cụ thể về nguồn chất thải rắn này; và về nguy cơ ô nhiễm đất, nước ngầm và đặc biệt là việc xây dựng các quy định, cơ sở pháp lý, xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá mức độ ô nhiễm khi tái sử dụng chất thải.
LV (nguồn: TC Khí tượng thủy văn, 3/2011)