Khoa học và công nghệ đạt nhiều kết quả nổi trội
Ngày 03/01/2020, tại Hà Nội, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành KH&CN năm 2019 và triển khai công tác năm 2020. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các cơ quan Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo 63 Sở KH&CN; đại diện một số viện, trường, tổ chức KH&CN và doanh nghiệp có nhiều thành tựu trong hoạt động KH&CN; các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí;... Về phía Bộ KH&CN, có Bộ trưởng Chu Ngọc Anh; các đồng chí lãnh đạo Bộ và nguyên lãnh đạo Bộ KH&CN cùng tập thể cán bộ chủ chốt của Bộ KH&CN và các đơn vị trong ngành.
Hội nghị là dịp để đánh giá các kết quả đã đạt được trong năm 2019, cũng như trao đổi, thảo luận để đưa ra các giải pháp để triển khai hiệu quả nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2020.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, năm 2019, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân (đặc biệt là sự đóng góp của cả lực lượng công nhân và nông dân), khoa học và công nghệ nước nhà đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước.
Các bộ, ngành, cơ quan đã chung tay cùng Bộ và ngành KH&CN để từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo hành lang ngày càng thông thoáng hơn cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khoa học và công nghệ ngày càng gắn bó mật thiết và đồng hành với các mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực, giúp nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nên kinh tế.
Bước sang năm 2020 với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, ngay từ ngày đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 và Nghị quyết số 02 thể hiện quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo cả nước cùng phấn đấu để hoàn thành thật tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết số 01 đã thể hiện phương châm hành động của Chính phủ năm 2020 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả".
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định phải thực sự trở thành động lực chủ yếu của tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Để triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ban Cán sự để quán triệt đến các cấp ủy Đảng, chính quyền trực thuộc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cụ thể của Bộ và ngành KH&CN được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP.
|
"Ngay sau Hội nghị này, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của các đồng chí và các quý vị đại biểu, Ban Cán sự đảng Bộ sẽ hoàn thiện và ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện", Bộ trưởng nhấn mạnh. |
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng cho hay, trong năm 2019, Bộ KH&CN tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Bộ KH&CN đã hoàn thành và trình 100% văn bản thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành đúng thời hạn các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được hoàn thiện, tập trung hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp KH&CN; khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao vào những ngành, lĩnh vực ưu tiên và ngăn chặn nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ lạc hậu; xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tốt nhất vai trò của sở hữu trí tuệ là công cụ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng trình bày báo cáo kết quả hoạt động năm 2019
và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của ngành KH&CN
Tập trung hoàn thiện các quy định và quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử. Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh. Thực hiện nhiệm vụ đầu mối đôn đốc các bộ, ngành triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ trì triển khai Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa. Hiện, các dự án khác thuộc Đề án Hệ tri thức Việt số hóa về nông nghiệp, lưu trữ, nhận dạng tiếng nói,... cũng đang được triển khai theo đúng tiến độ.
Thực hiện nhiệm vụ đầu mối theo dõi Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Nhóm chỉ số công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đánh giá mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai của Diễn đàn Kinh thế thế giới (WEF). Với các nỗ lực của cả hệ thống, chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2019 của Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc so với năm 2018, đứng ở vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế và đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia. Thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, tiếp cận với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Năm 2019, ngoài Techfest quốc gia, lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Singapore để quảng bá các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với thế giới.
Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc để công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, sự an toàn của sản phẩm, hàng hóa; quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành, lĩnh vực.
Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và trên cơ sở chấp nhận, tham khảo tiêu chuẩn của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế uy tín. Đến nay, có 13.000 TCVN đang có hiệu lực, tỷ lệ hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Triển khai “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” và Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại song phương và đa phương về sở hữu trí tuệ. Triển khai Quy chế phối hợp giữa Bộ KH&CN, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng quản lý chỉ dẫn địa lý. Tiếp nhận 68.386 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018; Lượng đơn sở hữu công nghiệp được xử lý tăng đột biến (46,9% so với cùng kỳ năm 2018); cấp văn bằng bảo hộ cho 30.453 đối tượng sở hữu công nghiệp, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2018 (20.251 văn bằng).
Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành triển khai nhiệm vụ trọng tâm, phục vụ mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương đã ghi nhận sự đóng góp ngày càng cụ thể, thiết thực của toàn ngành KH&CN; góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn đã tập trung nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học để xây dựng Chiến lược KT-XH giai đoạn 2021-2030 và phục vụ chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nghiên cứu cơ bản tiếp tục đạt kết quả tích cực, số lượng công bố trên tạp chí uy tín quốc tế ISI và Scopus tăng 1,3 lần so với năm 2018. Khoa học tự nhiên tập trung tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông bờ biển.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, KH&CN đã góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia hỗ trợ theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương (OCOP). Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến. Chăn nuôi đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao; nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ được nhân rộng. Công nghệ chế biến thủy sản được đầu tư hiện đại để đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế. Trước diễn biến nhanh chóng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tìm giải pháp để kiềm chế, ngăn chặn bệnh dịch.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hạ tầng, đã chủ động sản xuất được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thay thế nhập khẩu. Tích cực triển khai thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ, vật liệu mới, kết quả nghiên cứu đề tài trong công tác xây dựng, bảo trì công trình giao thông. Ngành xây dựng, bước đầu đã hướng dẫn các dự án thí điểm áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình xây dựng.
Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tiếp tục nâng cấp mở rộng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, phát triển hạ tầng thanh toán thẻ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Fintech, định hướng chuyển đổi số, quản trị thông minh hướng tới phát triển ngân hàng số. Các dịch vụ hợp tác giữa ngân hàng và công ty công nghệ phát triển mạnh. Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước triển khai hiệu quả trên mạng truyền số liệu chuyên dùng. Phòng thí nghiệm về thông tin di động thế hệ mới đã được triển khai xây dựng góp phần đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Trong lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia: Các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự góp phần quan trọng trong việc chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao hiệu quả khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, công nghệ cao đáp ứng yêu cầu cấp thiết của quân đội. Nhiều kết quả nghiên cứu có tính lưỡng dụng, đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Đã làm chủ công nghệ và chế tạo thành công hệ thống đo và hiển thị các tham số dẫn đường, tham số bay cho máy bay đảm bảo an toàn và an ninh quân sự. Đóng mới và hạ thủy tàu cứu hộ tàu tìm kiếm, cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316 mang tên Yết Kiêu, số hiệu 927.
Trong lĩnh vực y tế, lần đầu tiên thực hiện thành công tách một lá gan từ người cho chết não ghép cho hai bệnh nhân, đánh dấu một bước đột phá về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam; nghiên cứu, sản xuất thành công vắc-xin cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S), vắc-xin cúm đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất, có khả năng ngăn ngừa ba chủng vi-rút cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B; thực hiện thành công phẫu thuật can thiệp bào thai điều trị Hội chứng truyền máu song thai tại Việt Nam. Sản phẩm stent mạch vành đã được lưu hành trên thị trường và đưa vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả.
Quang cảnh Hội nghị
5 nhiệm vụ trong tâm năm 2020
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, Triển khai cách Chương trình, đề án trọng tâm: Tập trung xây dựng và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Thực hiện đồng bộ các giải pháp về kinh tế, thương mại, đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh để kích cầu công nghệ và nhu cầu đổi mới sáng tạo từ khu vực doanh nghiệp. Tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư trong triển khai các dự án công nghệ quy mô lớn và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo…
|
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao Huân chương Lao động hạng nhất cho đồng chí Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN và Huân chương Lao động hạng ba cho đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng KH&CN. |
Hai là, tiếp tục hoàn thành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ba là, tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Thúc đẩy gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung để tranh thủ nguồn lực và tri thức của các quốc gia tiên tiến, đồng thời từng bước nâng tầm năng lực và trình độ nghiên cứu trong nước. Thu hút, khai thác thế mạnh của đội ngũ các nhà khoa học tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài.
Năm là, đề nghị các cấp các ngành, các địa phương quan tâm, chỉ đạo để đưa nhiệm vụ, giải pháp về KH,CN và ĐMST gắn trực tiếp với nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xây dựng văn kiện đại hội đảng các cấp.
Hán Hiển