Định lượng alcaloid toàn phần và tuberostemonin LG trong bách bộ (Radix Stemonae tuberosae) trước và sau chế biến
29/11/2010
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Nguyễn Mạnh Tuyển (Trường ĐH Dược Hà Nội), Nguyễn Văn Hà (Viện Kiểm nghiệm thuốc TW), Nguyễn Minh Hải (Học viện Quân y) thực hiện định lượng alcaloid toàn phần và tuberostemonin LG trong bách bộ trước và sau chế biến nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của phương pháp chế biến đến thành phần hóa học này. Bách bộ là vị thuốc được sử dụng khá phổ biến trong y học cổ truyền để điều trị chứng ho hoặc dùng trị bệnh giun sán. Alcaloid là nhóm hoạt chất chính có trong bách bộ và đã được tiêu chuẩn hóa về thành
phần (tính theo tuberostemonin LG) trong Dược điển Việt Nam. Nghiên cứu tiến hành với rễ cây bách bộ thu hái tại Tam Điệp – Ninh Bình; các chế phẩm chế biến: bách bộ phiến, bách bộ chích mật, bách bộ chích cam thảo, bách bộ chưng rượu…
Kết quả, bằng phương pháp acid-base đã xác định được hàm lượng alcaloid toàn phần tính theo tuberostemonin LG trong bách bộ và các chế phẩm chế biến: bách bộ phiến (1,52%), bách bộ chưng rượu (1,26%), bách bộ chích mật (1,27%), bách bộ chích cam thảo (1,17%). Định lượng tuberostemonin LG trong bách bộ và các chế phẩm chế biến bằng sắc ký lỏng hiệu năng cao, detector ELSD cho kết quả: bách bộ phiến 0,47%, bách bộ chưng rượu 0,46%, bách bộ chích mật 0,45%, bách bộ chích cam thảo 0,40%. Tuy nhiên, sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p>0,05), chứng tỏ chế biến cổ truyền không làm ảnh hưởng đến thành phần alcaloid và tuberostemonin trong bách bộ.
LV (nguồn: TC Dược học, số 408-2010)