Nghiên cứu đặc trưng thấm nước của đất dưới một số trạng thái thảm thực vật ở vùng hồ thủy điện Hòa Bình
06/05/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do TS. Phạm Văn Điển (Trường ĐH Lâm nghiệp) và TS. Phạm Đức Tuấn (Cục Lâm nghiệp) thực hiện nghiên cứu đặc trưng thấm nước của đất dưới một số trạng thái thảm thực vật.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên hệ thống 45 ô tiêu chuẩn định vị tại xã Vầy Nưa huyện Đà Bắc và xã Tân Mai huyện Mai Châu – vùng ven hồ thủy điện tỉnh Hòa Bình dưới 10 trạng thái thảm thực vật thuộc 4 nhóm (trảng cỏ, trảng cây bụi, rừng trồng và rừng tự nhiên).
Kết quả, 4 chỉ tiêu quan trọng biểu thị đặc trưng thấm nước của đất rừng đã được xác định gồm: tốc độ thấm ban đầu, tốc độ thấm và thời gian đạt tốc độ thấm ổn định, quá trình thấm, lượng nước thấm xuống đất trong năm dưới điều kiện mưa tự nhiên. Đất dưới các trạng thái rừng ở địa bàn nghiên cứu có tốc độ thấm nước cao, tốc độ thấm nước ban đầu từ 6,7-15,2mm/phút, tốc độ thấm nước ổn định từ 2,5-8,0mm/phút. Tốc độ thấm nước của đất có liên hệ chặt với độ xốp, độ dày, độ ẩm của đất. Lượng nước thấm xuống đất ở các trạng thái thảm thực vật khá lớn (1371,5-1500mm/ha/năm, chiếm 68,31-74,02% tổng lượng mưa trong năm). Có thể mô phỏng quá trình thấm nước của đất rừng bằng mô hình Horton và mô hình Philip, trong đó mô hình Philip mô tả quá trình thấm nước tốt hơn so với mô hình Horton. Do các thí nghiệm thấm nước đều được thực hiện bằng ống vòng khuyên, trong điều kiện cung cấp nước nhân tạo, nên những thông số đưa ra chỉ phản ánh đặc trưng thấm nước tiềm tàng của đất, tức là đặc trưng thấm nước khi nguồn nước được cung cấp liên tục và đầy đủm chưa phải là đặc trưng thấm nước hữu hiệu dưới điều kiện mưa tự nhiên.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 8/2008)