Đối chiếu lâm sàng, cận lâm sàng với phẫu thuật trong chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh ngoài gan ở trẻ em
10/03/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Phan Thị Minh Hạnh, Nguyễn Gia Khánh thực hiện nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh teo đường mật bẩm sinh (TĐMBS); đối chiếu màu phân, kết quả siêu âm gan mật với tổn thương đường mật qua phẫu thuật trong bệnh teo đường mật bẩm sinh ngoài gan.
Nghiên cứu tiến hành với các trẻ được chẩn đoán teo đường mật bẩm sinh sau khi đã được xác định bằng phẫu thuật Kasai, đã được điều trị tại Khoa Ngoại và Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung ương từ 8/2005-8/2007.
Kết quả cho thấy, TĐMBS vào viện chủ yếu ở độ tuổi 30-60 ngày (48,2%), bệnh gặp ở trẻ gái nhiều hơn trẻ trai (1,3/1). Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của TĐMBS bao gồm: tất cả các trẻ bị TĐMBS thường có các biểu hiện của hội chứng vàng da ứ mật sớm. Vàng da, vàng mắt, phân trắng, nước tiểu vàng sẫm, kèm theo gan, lách to (76,7%), Blirubin trực tiếp và Photphatase kiềm tăng cao. Vàng da tăng dần theo tuổi, ỉa phân trắng liên tục > 10 ngày, trong đó phân trắng có thể giúp cho gia đình và thầy thuốc phân biệt màu phân và theo dõi tiến triển của màu phân trong chẩn đoán TĐMBS. TĐMBS chủ yếu gặp loại I (80,4%), loại II và loại III gần tương đương nhau. 15 bệnh nhân (26,7%) phải mổ muộn sau 90 ngày tuổi nên sự hủy hoại tế bào gan ở mức độ vừa và nặng. Hình ảnh không thấy túi mật, hình ảnh túi mật ít hoặc không co bóp, không thay đổi kích thước trước, trong và sau bú là hình ảnh siêu âm có giá trị trong các trường hợp teo toàn bộ đường mật ngoài gan hoặc teo ống gan chung. Riêng teo đoạn cuối ống mật chủ trên siêu âm có hình ảnh ống mật chủ dãn, túi mật kích thước bình thường hoặc hơi nhỏ. Nếu xuất hiện dấu hiệu TC giá trị chẩn đoán cao hơn nhiều. Đối chiếu bảng màu phân phù hợp với kết quả siêu âm và phẫu thuật với tỷ lệ là 93,3%, trong đó màu phân 1a chiếm 95,5%. Như vậy dùng bảng so màu phân trong 10 ngày có thể sử dụng như một công cụ hiệu quả để phát hiện và theo dõi chẩn đoán sớm TĐMBS tại gia đình cũng như tại bệnh viện và có giá trị định hướng chẩn đoán tại cộng đồng.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 5/2008)