Xác định nhóm chỉ thị sinh hóa sulhydry (-SH) cho sự ô nhiễm Asen và Đồng của cây rau má (centella asiatica)
13/01/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do nhóm tác giả Nguyễn Thị Kim Phượng, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Cửu Khoa (Viện công nghệ Hóa học TP.HCM) thực hiện nhằm xác định nhóm chỉ thị sinh hóa sulhydry (-SH) cho sự ô nhiễm Asen và Đồng của cây rau má.
Rau má được trồng trên đất ô nhiễm As và Cu với nồng độ khác nhau. Thu hoạch sau 4 và 9 tuần kể từ lúc trồng, rửa sạch bằng nước cất, tách riêng phần rễ và lấy lá sấy khô ở 600C trong 72 giờ. Mẫu đối chứng là rau được trồng trên đất nền không ô nhiễm trong cùng điều kiện như nhau.
Quá trình xử lý mẫu và xác định thành phần cho thấy, rau má hấp thu, vận chuyển As lên lá nhiều hơn là cố định lại ở rễ. Số lượng nhóm (-SH) trong rẽ giảm từ tuần 4 đến tuần thứ 9, ngược lại trong trường hợp lá rau số lượng nhóm tăng.
Trong trường hợp Cu, cây rau má hấp thu nhiều và chủ yếu cố định ở rễ hơn là vận chuyển lên lá. Số lượng (-SH) trong lá và rễ đều tăng từ tuần 4 đến tuần 9. Tuy nhiên sự tăng nhóm (-SH) trong rễ không đáng kể như trong lá.
Tích lũy As, Cu trong cây rau má đã kích thích hàng loạt phản ứng trong cây: sinh tổng hợp GSH, tạo phức với As và Cu, tạo thành các polypeptit có trọng lượng phân tử khác nhau.
Đối với các phản ứng sinh hóa xảy ra trong cây tùy thuộc vào đặc điểm sinh thái của từng loại rau, nồng độ và bản chất của kim loại… phản ứng trong cây đã làm giảm mức độ độc hại của kim loại tự do đối với cây rau.
BH (Theo tạp chí Hóa học tập 3/08)