Ảnh hưởng của một số loại thuốc bảo vệ thực vật đến ruồi bắt mồi họ Syrphidae: Diptera ăn rệp muội hại rau và đậu rau
31/12/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Hồ Thị Thu Giang, Lê Ngọc Anh, Nguyễn Thị Kim Oanh, Trần Đình Chiến, Hà Quang Hùng (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) thực hiện nghiên cứu ảnh hưởng của một số loại thuốc hóa học bảo vệ thực vật (BVTV) đến khả năng sống sót của 3 loài ruồi bắt mồi là Syrphus ribesii Linne, Clytia sp. và Episyrphus balteatus.
Nghiên cứu tiến hành thử thuốc BVTV trong phòng thí nghiệm với 3 loài ruồi nói trên theo 2 phương pháp là tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp.
Kết quả cho thấy, thuốc có ảnh hưởng nhất đối với ruồi ăn rệp Syrphus ribesii là thuốc Actara 25WG, tiếp theo là thuốc Sherpa 25EC và thấp nhất là thuốc Delfin WG ở cả 2 phương pháp xử lý trực tiếp và gián tiếp. Actara 25WG và Trebon 10EC có ảnh hưởng gây chết cao đối với loài Episyrphus balteatus De Greer so với thuốc Reasgent 2WG. Thuốc Sutin 5EC ảnh hưởng gây chết cao nhất đối với loài ruồi ăn rệp Clythia sp., tiếp theo là thuốc Actara 25WG và thấp nhất là Reasgant 2WG chỉ gây chết với tỷ lệ 33,3-44,4% sau phun 3 ngày. Các tác giả kiến nghị, các thuốc hóa học Actara 25WG, Sherpa 25EC và Sutin 5EC không nên sử dụng trong phòng chống sâu hại rau và đậu rau. Riêng thuốc Reasgent 2WG, Delfin WG có thể sử dụng khi mật độ sâu đến ngưỡng. Thuốc sinh học Delfin WG đã có ảnh hưởng xấu đến ruồi ăn rệp do vậy nhóm tác giả đề xuất nên khảo nghiệm nhóm thuốc có nguồn gốc sinh học trên một số loài thiên địch (các loài khống chế loài rệp muội, sâu hại rau…) quan trọng trước khi áp dụng ngoài sản xuất.
LV (theo TC NN&PTNT, 5/2008)