Những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng cọc khoan nhồi trong xây dựng cầu đường và một số giải pháp hạn chế
30/11/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Thi công cọc khoan nhồi phải trải qua một qui trình có nhiều giai đoạn phức tạp nên cọc khoan nhồi luôn tồn tại các khuyết tật, hư hỏng. GS Phan Quốc Bảo (Đại học GTVT, TP.HCM) thực hiện đề tài nhằm tìm ra một số nguyên nhân gây nên những khuyết tật thường gặp và đề xuất những giải pháp hạn chế.
Qua phân tích các dạng hư hỏng thường gặp trong thi công cọc khoan nhồi, tác giả cho rằng các nguyên nhân chủ yếu đều ứng với các dạng hư hỏng. Cụ thể, với sự lắng đọng bùn khoan dưới mũi cọc là do phần đất ngay dưới đáy lỗ khoan bị xáo động và hấp thụ bentonite chuyển sang trạng thái dẻo kết hợp với sự lắng đọng bùn khoan tạo thành 1 lớp vật liệu nhão ngay dưới cọc làm giảm sức kháng mũi cọc. Với bêtông mũi cọc bị xốp do lẫn tạp chất là do quả cầu đổ bêtông không đạt yêu cầu, khoảng cách từ đáy ống đổ bêtông đến đáy lỗ khoan quá lớn, mẻ bêtông đầu tiên của cọc bị phân tầng hoặc bị trộn lẫn với hỗn hợp bùn sét trong quá trình bêtông rơi từ miệng ống xuống đáy lỗ khoan, phần bêtông mũi cọc bị xốp, không đạt chất lượng. Với phần thân cọc co thắt lại hoặc phình ra hoặc bị oằn đi nguyên nhân là ở khu vực địa chất yếu cục bộ, thân cọc có thể sẽ phình ra hoặc bị oằn cong do từ biến của lớp đất dưới lực đẩy của bêtông tươi. Trường hợp sau khi khoan tạo lỗ xong, vì sự cố nào đó chưa tiến hành lắp hạ lồng thép và đổ bêtông cọc ngay được, tiết diện lỗ khoan cũng có thể bị co thắt lại do sự đẩy ngang của đất. Ngoài ra, tác giả cũng trình bày cụ thể các nguyên nhân làm cho thân cọ có lẫn các thấu kính đất hoặc bị gián đoạn bởi các lớp đất. Song song với việc chỉ ra các nguyên nhân, tác giả cũng đề ra các giải pháp khắc phục.
Đề tài đã cung cấp những giải pháp hữu ích, giúp cho người kĩ sư thi công cọc khoan nhồi có cái nhìn tổng quan hơn trong công tác phòng tránh, phân tích lựa chọn biện pháp thích hợp nhằm hạn chế sự cố.
BH (Theo Tạp chí Cầu đường, số3/08)