Biến đổi lâm sàng,thông khí phổi và khí máu động mạch ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong đợt bùng phát sau điều trị oxy cao áp
10/11/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Phạm Thái Dũng, Đỗ Tất Cường (Bệnh viện 103) thực hiện nhằm tìm hiểu biến đổi lâm sàng, thông tin khí phổi và khí máu động mạch ở bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính trong đợt bùng phát sau điều trị oxy cao áp để đánh giá hiệu quả điều trị của oxy cao áp trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Nghiên cứu tiến hành với 58 bệnh nhân, tuổi từ 55-76 gồm 47 nam và 11 nữ được chẩn đoán xác định là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong đợt bùng phát, điều trị tại khoa Lao và bệnh phổi và khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện 103. Các bệnh nhân được chia làm 2 nhóm ngẫu nhiên là nhóm nghiên cứu (oxy cao áp) 30 bệnh nhân được phối hợp giữa điều trị nội khoa và điều trị liệu pháp oxy cao áp 1 đợt 10 ngày trong đợt bùng phát của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; nhóm đối chứng gồm 28 bệnh nhân được điều trị nội khoa và điều trị liệu pháp oxy thông thường trong đợt bùng phát của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Kết quả cho thấy, các triệu chứng về suy hô hấp như khó thở, tím được cải thiện sau điều trị ở cả 2 nhóm nhưng nhóm oxy cao áp cải thiện tốt hơn so với nhóm đối chứng có ý nghĩa thống kê (p < 0,05). Sau điều trị, các chỉ tiêu VC, FEV1 tăng rõ rệt nhưng không có sự khác biệt với nhóm đối chứng. Tỷ lệ FEV1 sau điều trị ở nhóm oxy cao áp tăng cao ở cả 2 thể lâm sàng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhất là thể viêm phế quản mạn (91,67%) tuy nhiên chưa thấy sự khác biệt giữa 2 nhóm (p > 0,05). Giá trị trung bình PaO2, SaO2 sau điều trị oxy cao áp tăng rõ rệt so với trước điều trị và so với nhóm đối chứng. Tác dụng phụ sau 5 - 10 ngày điều trị oxy cao áp là đau đầu (6,67% - 10%) và ù tai (33,33% - 63,33%).
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 4/2008)