Tình hình thiếu máu và kiến thức vệ sinh dinh dưỡng phòng chống thiếu máu ở phụ nữ Sán Dìu huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên
22/09/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Lê Minh Chính, Đàm Khải Hoàn (ĐH Y dược Thái Nguyên) thực hiện nhằm mô tả thực trạng thiếu máu của phụ nữ dân tộc Sán Dìu trong thời kỳ mang thai ở huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên; tìm hiểu kiến thức, thái độ và thực hành về vệ sinh, dinh dưỡng trong phòng chống thiếu máu của phụ nữ độ tuổi sinh đẻ dân tộc Sán Dìu.
Nghiên cứu tiến hành điều tra cộng đồng và lấy mẫu máu xét nghiệm vào tháng 4/2007 và tháng 6-7/2007 với toàn bộ phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con bú, 100% làm nghề nông ở 2 xã có dân tộc Sán Dìu - nơi đông nhất của tỉnh Thái Nguyên.
Kết quả, dựa vào hàm lượng hemoglobin (HGB) cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con bú của phụ nữ Sán Dìu khá cao (62,87%). Đây là mức thiếu máu nặng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng. Kết quả MCH 61,08pg/l và Feritin 44,39% phản ánh tình trạng thiếu máu nhược sắc và cạn kiệt sắt dự trữ của phụ nữ.
Về kiến thức, thái độ và thực hành (KAP) về vệ sinh thai nghén, vệ sinh dinh dưỡng và vệ sinh môi trường, chị em có kiến thức trung bình chiếm chủ yếu (vệ sinh thai nghén 66,06%; vệ sinh dinh dưỡng 45,82% mức trung bình và 42,18% ở mức yếu; vệ sinh môi trường 64,00%). Tỷ lệ phụ nữ có thái độ với vệ sinh thai nghén, dinh dưỡng và môi trường cũng ở mức trung bình là chủ yếu (lần lượt là 68,47%, 40,97% và 72%). Phụ nữ có kiến thức yếu về vệ sinh dinh dưỡng chiếm 44,00%. Chỉ có 58,75% bà mẹ thường xuyên uống viên sắt với số lượng đạt từ 150 viên trở lên trong suốt thời gian mang thai. Tỷ lệ không uống viên sắt vì cho rằng viên sắt gây nóng bụng, táo bón hoặc đi lỏng chiếm 49,18%; sợ bị nhiệt, loét mồm, ngứa 16,39%... Nhìn chung kiến thức và thái độ về vệ sinh thai nghén, dinh dưỡng và môi trường của phụ nữ có thai và bà mẹ nuôi con bú ở phụ nữ dân tộc Sán Dìu còn chưa đi đôi với thực hành. Thiếu kiến thức là nguyên nhân tác động xấu tới thái độ và thực hành trong vệ sinh thai nghén.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 4/2008)