Nghiên cứu xây dựng hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải tại các khu chế xuất – khu công nghiệp ở TP.HCM
19/09/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Với 12 khu công nghiệp (KCN) và 3 khu chế xuất (KCX) hiện có ở TP.HCM thì việc xử lý nước thải từ các KCX-KCN này rất cần được các nhà quản lý môi trường quan tâm. Trong khi đó, công tác quản lý môi trường hiện chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghiệp thành phố. Một hệ thống quan trắc (HTQT) môi trường nước với nhiệm vụ tạo ra một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh sẽ phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu khoa học và quản lý môi trường.
Với mục tiêu nghiên cứu xây dựng một HTQT tự động phục vụ cho công tác quản lý và giám sát chất lượng môi trường nước thải tại các KCX-KCN ở TP.HCM, đề tài “Nghiên cứu xây dựng HTQT tự động chất lượng nước thải tại các KCX-KCN ở TP.HCM” do PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn (Chi cục Bảo vệ môi trường) làm chủ nhiệm đã xây dựng thành công mô hình trình diễn trạm quan trắc tự động (QTTĐ) chất lượng nước thải tại KCN Tân Bình, vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu ngày 18/9/2008.
Nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát chất lượng nước thải của các nhóm doanh nghiệp điển hình trong các KCX-KCN; nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng phục vụ cho việc thu thập, lưu trữ truyền số liệu, hiển thị dữ liệu và xử lý dữ liệu; phân tích, thiết kế hệ thống thông tin có khả năng tự động quan trắc số liệu phục vụ công tác quản lý, giám sát chất lượng môi trường nước thải…
Theo đó, mô hình trạm QTTĐ chất lượng nước thải tại KCN Tân Bình đi vào hoạt động cuối tháng 4/2008, gồm 3 phần chính: hệ thống đo và thu thập dữ liệu chất lượng nước thải tại hiện trường, hệ thống truyền – nhận dữ liệu và hệ thống giám sát tại trung tâm. Kinh phí thực hiện hệ thống thử nghiệm này là 362.004.250 VNĐ. Chi phí vận hành trong thời gian thử nghiệm – 1 tháng (tiền điện, điện thoại) khoảng 600.000 VNĐ.
Từ đó, nhóm tác giả đã đề xuất HTQTTĐ chất lượng nước thải cho 15 KCX-KCN ở TP.HCM gồm 15 trạm quan trắc con và 1 trạm trung tâm. Hệ thống đo và thu thập dữ liệu chất lượng nước thải tại hiện trường gồm các trạm quan trắc con và mỗi trạm này sẽ có cảm biến (sensor), bộ truyền tín hiệu (transmitter) để đo lường chất lượng nước thải như độ pH, độ đục, chất rắn lơ lửng… Tất cả tín hiệu đo được tập hợp về thiết bị điều khiển (PLC) tại hiện trường thông qua module Analog input và được truyền về phòng điều khiển trung tâm… Việc truyền – nhận dữ liệu từ trạm quan trắc về trung tâm được thực hiện qua đường dây điện thoại và các bộ mã hóa/giải mã (modem) có tại hiện trường và phòng điều khiển trung tâm. Tại hệ thống giám sát trung tâm, máy tính chủ và phần mềm SCADA được lập trình để nhận toàn bộ dữ liệu từ các trạm quan trắc gởi về thông qua modem và đường dây điện thoại. Sau đó SCADA sẽ cung cấp giá trị đo tại các trạm theo nhiều dạng dữ liệu: số, graph, đường biểu diễn, các mức cảnh báo báo động… Nhóm tác giả dự trù kinh phí đầu tư cho hệ thống này gồm: trạm con: 540.765 USD; hệ thống truyền dữ liệu và 1 trạm trung tâm: khoảng 34.500 USD; kinh phí vận hành và bảo trì 1 trạm QTTĐ trong 1 năm: khoảng 6.155 USD; kinh phí nhân công vận hành hệ thống tại các KCX-KCN trong 1 năm: khoảng 6.500 USD; thời gian chuẩn bị, lắp đặt, vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ tổng cộng là 11 tháng.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính ứng dụng thực tiễn của đề tài. Nếu hệ thống này được chuyển giao và đi vào hoạt động thành công sẽ giúp các nhà quản lý môi trường linh động hơn trong công tác quản lý môi trường, góp phần quản lý và bảo vệ môi trường tốt hơn.
Lam Vân