Ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử trong xác định đa dạng nòi nấm đạo ôn hại lúa ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam
08/09/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Lã Tuấn Nghĩa, Phạm Thị Thúy, Lê Anh (Viện Di truyền nông nghiệp), Lê Như Kiều (Viện Thổ nhưỡng nông hóa) thực hiện sử dụng kỹ thuật Pot2 rep-PCR phân tích sự đa dạng di truyền quần thể nấm thu thập ở các tỉnh phía Bắc và Trung (từ Phú Yên trở ra) nhằm xác định các nòi nấm phục vụ cho công tác khai thác hiệu quả nguồn gen kháng bệnh đạo ôn ở lúa.
Nghiên cứu tiến hành với 364 mẫu bệnh đạo ôn gây hại trên các giống lúa khác nhau thu thập tại các tỉnh miền Bắc và Trung trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2007.
Kết quả nghiên cứu đã xác định được 23 nòi nấm bệnh trên 5 vùng sinh thái nông nghiệp là Tây bắc, Đông bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ trên cơ sở nhận dạng ADN nấm sử dụng chỉ thị phân tử PCR mồi: MG1 và MG2 đặc trưng cho nấm đạo ôn. Phân tích liên kết cho thấy, 23 nòi nấm chia thành 5 nhóm ở mức độ giống nhau về di truyền 70%. Trong số các nhóm thì nhóm II có tần số cao nhất là 0,48, nhóm I có tần số là 0,32, các nhóm còn lại có tần số ≤ 0,10. Tuy có sự đa dạng cao nhưng quần thể nấm chỉ có một số nòi và nhóm chiếm ưu thế, mang tính chất đại diện đó là H1, H4, H6, H7, H9, H10, H11, H12, H14 và các nhóm I và II. Các nòi và nhóm nấm này có thể sử dụng để lây nhiễm trên các giống lúa. Đề tài cũng đưa ra đề nghị là sử dụng các nòi nấm đại diện đã xác định được trong nghiên cứu này làm vật liệu nguồn nấm để đánh giá tính kháng/nhiễm bệnh của các giống lúa nhằm xác định được nguồn gen kháng có hiệu quả ở nước ta phục vụ cho công tác chọn tạo giống lúa kháng bệnh.
LV (nguồn: TC NN&PTNT số 4/2008)