Nghiên cứu xác định dư lượng cloramphenicol trong tôm bằng kỹ thuật cực phổ sóng vuông quét nhanh trên cực giọt chậm
30/07/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Phùng Thế Đồng (khoa Dược, trường ĐH Y dược TP.HCM), Trần Tử An (trường ĐH Y dược Hà Nội), Nguyễn Trọng Giao (Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga chi nhánh phía Nam, TP.HCM) thực hiện nhằm xây dựng quy trình xác định dư lượng cloramphenicol (CAP) trong tôm bằng kỹ thuật cực phổ sóng vuông quét nhanh (CPSVQN) giúp các cơ quan tuyến dưới kiểm tra nhanh có tính chất sàng lọc sơ bộ về sự có mặt của CAP tồn dư trong tôm.
Các phương pháp phân tích dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm được phân theo 3 cấp gồm cấp 1 (phương pháp trọng tài), cấp 2 và cấp 3. Cấp 3 là xác định sự có mặt hoặc không có mặt một hợp chất hoặc nhóm chất ở mức định danh xác định. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay việc trang bị đại trà cho các phòng thí nghiệm cơ sở tuyến dưới thiết bị kỹ thuật cao như GC, GC/MS, LC/MS/MS… là tương đối khó khăn, trong khi quy định xuất khẩu rất nghiêm ngặt về dư lượng CAP trong tôm. Vì vậy để hạn chế thiệt hại trong xuất khẩu thì việc kiểm tra sàng lọc sơ bộ các mẫu tôm ở tuyến dưới là rất cần thiết.
Nghiên cứu tiến hành với 3 mẫu tôm gồm tôm sú lột thịt của công ty TNHH V-TR, tôm mua ở chợ và tôm sú lột thịt của công ty TNHH H-L Seagifood; máy SVQN ANAYZER MF-707a, SQF-505.
Kết quả, không phát hiện CAP trong 3 mẫu tôm (kết quả của mẫu số 3 hoàn toàn phù hợp với kết quả định lượng của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3). Phương pháp xác định dư lượng CAP trong tôm bằng kỹ thuật CPSVQN trên cực giọt chậm có độ đúng và độ lặp lại trong giới hạn cho phép, quy trình xử lý mẫu tương đối đơn giản không cần phải xử lý tinh khiết như mẫu sử dụng cho HPLC, GC… Đây là phương pháp cấp 3, thích hợp cho các cơ sở tuyến dưới không có điều kiện trang bị các phương tiện kỹ thuật cao. Khảo sát bước đầu cho thấy, dùng kỹ thuật tích góp SVQN trên cực giọt rất chậm theo cơ chế hấp phụ đã tăng độ nhạy của phương pháp: LOD = 16 ng/ml (ppb) giảm xuống 2 ppb. Nhóm tác giả sẽ tiếp tục khảo sát dung dịch nền thích hợp để có thể tăng độ nhạy hơn và nghiên cứu quy trình xử lý mẫu để có thể đo được bằng kỹ thuật này.
LV (nguồn: TC Dược học, số 384/2008)