SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu khả năng giảm khử độc chất (Dimethoate, Carbaryl) trên một số nông sản bằng phương pháp chiếu xạ

Đề tài do trường ĐH Bách khoa TP.HCM chủ trì và ThS. Hoàng Minh Nam là chủ nhiệm đã được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu ngày 27/6.

Nghiên cứu này nhằm xác định mức độ phân huỷ 2 chất bảo vệ thực vật (Dimethoate, Carbaryl) trong các mẫu nước mô hình và trên 3 loại rau quả ngoài thị trường (dưa leo, cải bắp, cải xanh) bằng phương pháp chiếu xạ.
Chiếu xạ thực phẩm với tác dụng thanh khử trùng, làm chậm chín trái cây, kéo dài thời gian bảo quản đã được ứng dụng nhiều. Tuy nhiên, trước thực trạng rau quả tươi hiện nay ít nhiều đều nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có độc tính đối với người, vật nuôi và môi trường sinh thái thì đề tài trên đã bước đầu đóng góp những cơ sơ khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo về tác động của chiếu xạ lên dư lượng các hoá chất độc hại trong nông sản thực phẩm.
Theo đó, đề tài đã nghiên cứu ảnh hưởng liều chiếu xạ lên 2 loại thuốc bảo vệ thực vật Dimethoate và Carbaryl trong dung môi nước; nghiên cứu ảnh hưởng liều chiếu xạ lên dư lượng Dimethoate và Carbaryl trên cải bắp, cải xanh và dưa leo; nghiên cứu ảnh hưởng liều chiếu xạ lên hàm lượng Vitamin C và một số yếu tố cảm quan của cải bắp, cải xanh, dưa leo.
Kết quả, dư lượng Carbaryl, Dimethoate trong nước dễ bị phân huỷ khi chiếu bức xạ hãm hoặc tia γ từ nguồn 60Co. Hiệu suất xạ phân không phụ thuộc pH trong vùng môi trường trung tính axit loãng (pH 2÷7), ở pH thấp hơn (~ 0,46) hiệu suất xạ phân Carbaryl và Dimethoate đều cao hơn hẳn, thể hiện các gốc tự do •H, •OH đóng vai trò chính trong quá trình phân huỷ chúng... Kết quả này mở ra một tiềm năng xử lý nguồn nước nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nói riêng và các tạp chất hữu cơ nói chung. Dư lượng Carbaryl, Dimethoate trong cải bắp, cải xanh, dưa leo có giảm do tác động chiếu xạ. Trong điều kiện khảo sát ở vùng liều thấp ≤ 1 kGy, mức độ giảm dư lượng nói chung thấp, dao động trong khoảng 10÷20% ở dưa leo, 10÷60% ở cải xanh, 10÷80% ở cải bắp.
Chiếu xạ trong vùng liều cho phép ≤ 1 kGy làm giảm hàm lượng Vitamin C trong các mẫu rau khảo sát tới ~ 30÷40%, tương đương với mức độ phân huỷ Vitamin C bởi các biện pháp bảo quản khác. Kết quả đánh giá cảm quan theo phép thử tam giác cho thấy, các mẫu cải bắp, cải xanh, dưa leo chiếu xạ dưới mức liều cho phép (≤ 1 kGy) không có sự biến đổi nhận biết được bởi các thông số cảm quan, đặc biệt là độ tươi, độ cứng/mềm, màu sắc so với các mẫu đối chứng (không chiếu xạ). Với liều giới hạn cho phép 1 kGy, chỉ có mẫu cải bắp được hội đồng cảm quan đánh giá có biến đổi nhận biết được... Ngoài ra, đề tài cũng đã xây dựng được quy trình trích Carbaryl, Dimethoate, Vitamin C từ rau và đề nghị tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ chiếu xạ theo hướng xử lý nước nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, nhiễm các độc chất hữu cơ, định danh sản phẩm phân huỷ Carbaryl, Dimethoate trong nước do tác động của chiếu xạ…
Lam Vân
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả