SpStinet - vwpChiTiet

 

10 phát hiện khoa học lạ trên thế giới năm 2015




 

2015 là năm có nhiều khám phá mới trong khoa học, trong đó có nhiều phát hiện “quái lạ”, nhưng xét kỹ, chúng đều có những lợi ích thiết thực. Theo bình chọn của Trung tâm Truyền thông Khoa học của Úc (Australian Science Media Centre), có 10 sự kiện khoa học “quái nhất” trong 12 tháng qua.  
 

 

1. Phát hiện cha ruột của con là bào thai song sinh đã chết từ lâu

 

Tháng 10/2015, các nhà khoa học đã phát hiện ra một người đàn ông Mỹ 34 tuổi không phải là cha của đứa con mới sinh mà lại là người anh em song thai đã chết từ lâu trong bụng mẹ. Nghiên cứu cho thấy, để người đàn ông này được sinh ra, có tổng cộng 8 bào thai nhưng chỉ có một bào thai sống sót. Tế bào từ bào thai đã chết được hấp thụ bởi bào thai còn sống, DNA của bào thai này được trộn lẫn vào cơ thể của bào thai còn lại, đưa đến một tình trạng di truyền rất hiếm gặp, gọi là chimerism. Trong trường hợp này, 10% tinh trùng của người đàn ông được sinh ra mang gene của bào thai sinh đôi.


2. Bao quanh con người là đám mây vi khuẩn



Tháng 9/2015, các nhà khoa học Mỹ tiết lộ rằng, con người đang được bao phủ bởi những “đám mây” cuồn cuộn của hàng triệu vi khuẩn tiết ra từ cơ thể chúng ta. Lớp “mây” này chủ yếu được tạo thành từ các loài vi khuẩn vô hại, như Corynebacterium, nhưng cũng có thể có một số loài có hại như Streptococcus, một số loài còn có thể gây ra nhiễm trùng. Nghiên cứu cũng cho thấy, thành phần của các đám “mây” này là khác nhau, tùy theo từng cá nhân. Điều này rất hữu ích trong ngành pháp y. Nghiên cứu cũng giúp tìm hiểu thêm về cơ chế lây lan vi trùng từ người này sang người khác.


3. Giải thích tiếng động tạo ra khi bẻ khớp ngón tay



Một số người có thói quen bẻ ngón tay để tạo ra tiếng kêu “lục khục” khi mỏi. Tháng 4/2015, sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) để quan sát bên trong các khớp ngón tay lúc đang bẻ, các nhà khoa học Úc và Canada thấy rằng, lúc này khớp xương mở rộng ra, tạo thành một khoang chứa khí bên trong hoạt dịch ở các khớp. Sự hình thành các khoang khí này tạo ra âm thanh “lục khục” quen thuộc. Các nghiên cứu tiếp theo sẽ tìm hiểu xem việc bẻ ngón tay như vậy có hại hay không.


4. Huấn luyện bồ câu phát hiện bệnh ung thư




Tháng 11/2015, các nhà khoa học Mỹ công bố một nghiên cứu gây tranh cãi trong giới y học. Họ đã huấn luyện chim bồ câu cách phân biệt giữa ung thư vú nguy hiểm và vô hại bằng cách nhìn vào phim X-quang và hình chụp, sau đó sử dụng để phát hiện các căn bệnh ung thư. Thực tế cho thấy, các con chim bồ câu đã thể hiện tốt khả năng nhận ra bệnh ung thư ác tính. Tuy nhiên, mục đích chính của nghiên cứu là để tìm hiểu khả năng phân biệt hình ảnh y tế của con người. Trong tương lai gần, việc sử dụng chim bồ câu trong ngành y sẽ vẫn chưa thành hiện thực. 
 


5. Không nên ngồi xổm trong quần jeans bó




Tháng 6/2015, một phụ nữ Úc đã làm mất nguồn cấp máu đến chân - tình trạng gọi là “hội chứng khoang” - do ngồi xổm hàng giờ trong quần jeans bó. Bị tê ở bàn chân, đi đứng khó khăn khiến cô bị vấp ngã mà không thể đứng lên được, phải nằm trên mặt đất vài giờ trước khi được đưa đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ đã phát hiện ra các cơ bắp và dây thần kinh ở chân của cô đã bị thương do ngồi xổm quá lâu trong chiếc quần jeans bó. Sau bốn ngày chữa trị, người phụ nữ này mới có thể đi lại được.
 


6. Nghiên cứu về chiếc váy đã “chia thế giới thành hai cực”




Tháng 2/2015, một phụ nữ Scotland chụp ảnh của chiếc váy cô định mặc tới dự đám cưới của con gái. Gia đình cô đã không thể thống nhất về màu của chiếc váy trong bức ảnh, nên đăng nó trên Facebook. Việc này đã tạo ra một cơn sốt, với hơn 10 triệu Tweets trong một tuần, về nhận định chiếc váy màu vàng và trắng, hay là màu xanh và đen. Nhân cơ hội này, các nhà khoa học cũng bàn luận về khả năng nhận diện màu sắc cũng như ảo ảnh quang học. Kết quả là có ba bài báo khoa học liên quan đến chiếc váy này được đăng trên các tạp chí uy tín trong tháng 5/2015.



7. Phát hiện máy “không làm chín” trứng




Khi nghiên cứu một thiết bị xoáy chất lỏng (vortex fluidic device), nhà khoa học Colin Raston tại Đại học Flinders phát hiện thiết bị này có thể hồi phục trạng thái ban đầu của lòng trắng trứng bị nấu chín. Do đó, ông đã gọi chiếc máy này là máy “không làm chín” trứng. Ông còn tiến hành các thử nghiệm khác như “không làm chín” thuốc chữa ung thư, “không làm chín” xăng sinh học, “không làm chín” thuốc mê. Kết quả của các việc này là vào tháng 9/2015, Colin Raston chính thức nhận giải Ig Nobel!


8. Phát hiện sinh vật tự tử để truyền giống




Tháng 7/2015, các nhà khoa học Đức và Thụy Sĩ phát hiện khả năng sinh dục kỳ lạ của một loài giun dẹp nhỏ có tên là Macrostomum hystix, vốn có cả bộ phận sinh dục đực và cái. Khi loài giun này không thể tìm thấy một con giun khác để giao phối, nó có thể dùng dương vật, có hình dạng giống như cây kim, đâm vào chính đầu nó để cho tinh trùng di chuyển qua lỗ thủng này, đi qua các cơ quan nội tạng rồi xuống đến đuôi để thụ tinh cho trứng tại đây. 
 


9. Xác nhận hiện tượng “xác sống” trong thiên nhiên là có thật




Tháng 8/2015, các nhà khoa học Nhật Bản đã xác nhận bằng chứng chắc chắn về hành vi biến nhện thành “xác sống” của ong vò vẽ. Nghiên cứu cho thấy ong Reclinervellus nielseni đẻ trứng vào các con nhện Cyclosa argenteoalba. Các quả trứng này sẽ tiết ra hormone có tác dụng gây mê, khiến nhện nhả tơ tạo thành một cái kén giúp bảo vệ ong vò vẽ con khi mới ra đời. Khi công việc đã hoàn thành, nhện “xác sống” sẽ quay trở vào trung tâm của kén, nơi nó sẽ bị các con ong non ăn thịt. 
 


10. Chuột túi cũng trung tiện nhiều như ngựa




Trước đây, hệ thống tiêu hóa của chuột túi được xem là ít tạo ra khí mê-tan, nhờ một số vi sinh vật độc đáo trong ruột. Do vậy, các nhà khoa học tin rằng chuột túi có thể là nguồn thực phẩm thân thiện với môi trường hơn so với bò, vốn sinh ra rất nhiều khí mê-tan. Tháng 11/2015, kết quả đo lượng khí mê-tan do chuột túi phát ra của các nhà nghiên cứu tại Úc và châu Âu cho thấy, lượng khí mê-tan cũng nhiều như ngựa. Vì vậy, việc tìm ra loại vi khuẩn đường ruột giúp kiềm chế việc sản sinh mê-tan dường như là bất khả thi. Tuy nhiên, lượng khí mê-tan này vẫn còn ít hơn ở bò.
 

HOÀNG MI, STINFO số 1&2/2016

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả