Trolleybus là một loại phương tiện vận tải hành khách công cộng hiện đại, sử dụng điện, không gây phát thải ô nhiễm, hiện được sử dụng có hiệu quả ở 359 thành phố trên thế giới, thuộc 48 nước khác nhau. Đề tài được thực hiện nhằm nghiên cứu khả năng đưa trolleybus vào sử dụng cho một số tuyến giao thông, đề xuất các giải pháp sử dụng trolleybus trong kế hoạch chung phát triển vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM, qua đó phục vụ cho phát triển hệ thống giao thông công cộng bền vững, không phát thải ô nhiễm môi trường.
Đề tài đã nghiên cứu 5 tuyến giao thông (An Sương – Củ Chi; An Sương – Trạm 2 Xa lộ Hà Nội; An Sương – An Lạc; An Lạc – Nguyễn Văn Linh; An Lạc – Bến Lức) và đề xuất tuyến trolleybus thí điểm An Sương – Củ Chi dài 20,3 km để đánh giá cụ thể khả năng sử dụng trolleybus trên tuyến này.
Xe buýt Ultracap, một trong những loại xe buýt trên thế giới sử dụng điện.
Theo thiết kế sơ bộ tuyến trolleybus An Sương – Củ Chi sẽ có 29 vị trí nhà chờ, số chuyến mỗi hướng/ngày là 149 chuyến; phương án kết hợp 17 trolleybus đơn và 10 xe trolleybus khớp nối cho đường dành riêng, với chi phí đầu tư cho xe buýt khoảng 7-8 triệu USD. Theo tính toán, với số chỗ (120 chỗ) nhiều hơn xe buýt diesel, thời gian hành trình và vận tốc tốt hơn, trolleybus sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Đặc biệt, nội dung quan trọng của đề tài này là đã phân tích, so sánh xe buýt CNG và trolleybus. Các phân tích so sánh về phát thải khí độc gây ô nhiễm môi trường; khí hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu; tiếng ồn đường phố; chi phí đầu tư xe, đầu tư cơ sở hạ tầng; chi phí vận hành, bảo trì… đều cho thấy, xe trolleybus khi đưa vào hoạt động sẽ có nhiều ưu điểm cả về đầu tư, khai thác, sử dụng và độ an toàn cũng như ô nhiễm môi trường, so với xe buýt CNG có cùng đặc điểm kích thước.
Trolleybus 1 khớp nối có thể chở 133-180 hành khách.
Qua đó cho thấy, việc sử dụng trolleybus cho giao thông công cộng tại TP.HCM có triển vọng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao hơn. Tại các khu vực đô thị ven vành đai 2 TP.HCM trở ra ngoài, nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng loại hình trolleybus truyền thống với mạng lưới điện tiếp xúc trên cao (trên các tuyến An Sương – Củ Chi; An Sương – An Lạc; An Lạc – Gò Đen – Bến Lức; An Sương – Trạm 2; An Sương – Nguyễn Văn Linh).
Trolleybus 2 khớp nối chở được 180-240 khách.
Tại các khu vực đô thị tiếp cận trung tâm, trên các tuyến trục chưa triển khai xây dựng metro, có thể nghiên cứu áp dụng loại hình trolleybus cải tiến, kết hợp sử dụng ắc quy hoặc siêu tụ điện (ultracap) để chạy trong khu vực trung tâm đô thị, không cần lưới cấp điện trên cao trong khu vực trung tâm. Tổng hợp đầu tư của xã hội cho một tuyến trolleybus dài 21 km cần khoảng 50-90 triệu USD, năng lực đạt từ 15-20 đến 25-30 ngàn khách/giờ/hướng. So sánh với đầu tư cho tuyến metro tương ứng, năng lực tuyến trolleybus đạt khoảng 25%-43% nhưng đầu tư chỉ bằng khoảng 3%-5% của metro.
Đề tài nhằm nghiên cứu cấu trúc và chức năng môi trường của các loại rừng ngập mặn ở Cần Giờ để góp phần giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu; đề xuất các giải pháp lâm sinh liên quan đến nước biển dâng. Nghiên cứu được tiến hành ở khu vực vùng cửa sông Đồng Tranh thuộc xã Long Hòa và xã Lý Nhơn.
Khu vực nghiên cứu là vùng bồi tụ của vùng cửa sông Đồng Tranh và chịu tác động bởi dòng chảy từ thượng nguồn chảy ra biển và từ biển chảy vào nên hình thành lớp phù sa mới, với các rừng non và trung niên đang phát triển, tập trung 14 loài cây gồm các loài đước, mấm trắng, bần trắng, mấm đen, dà quánh chiếm ưu thế.
Địa hình có ảnh hưởng đến mức độ ngập của rừng. Khu vực nghiên cứu có số ngày ngập trung bình trong tháng là 29,2 ngày. Mức độ bồi tụ trung bình sau 1 năm là 2,61 cm/năm. Mức độ bồi tụ phụ thuộc vào vị trí tuyến, mật độ cây và đa dạng sinh học nhưng tỷ lệ nghịch với vị trí cách xa bờ sông và chiều cao cây.
Vận tốc gió giảm trung bình 60,6 ± 9,3% so với ngoài bìa rừng ở đai rừng 10 m và giảm 79,2 ± 10,2% ở đai rừng 50 m. Vận tốc dòng chảy qua đai rừng 10 m giảm 45 ± 10,2% và giảm 88,4 ± 14,0% ở vị trí đai rừng 50 m. Điều này cho thấy vai trò phòng hộ của rừng trong việc hạn chế tốc độ gió và dòng chảy. Nhiệt độ không khí trong rừng giảm so với nhiệt độ ở ngoài rừng trung bình 11,53% và phụ thuộc vào độ tàn che, cho thấy vai trò của tán rừng trong việc giảm nhiệt độ, cải tạo vi khí hậu.
Biện pháp lâm sinh giúp rừng phát huy phòng hộ là cần có những đai rừng có bề rộng trên 100 m, phá vỡ các bờ bao cản nước triều và trồng rừng trên vùng đất dưới mực nước triều trung bình bằng phương pháp thích hợp để gia tăng diện tích rừng. Biện pháp trồng rừng phòng hộ cần căn cứ vào độ cao địa hình và quá trình diễn thế tự nhiên để bố trí thành phần loài cây thích hợp, phát huy vai trò phòng hộ của rừng ở vùng cửa sông ven biển.
Đề tài được thực hiện nhằm hoàn chỉnh quy trình nuôi cua từ con giống sinh sản nhân tạo phù hợp theo vùng và mùa, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản tại Cần Giờ.
Tại vùng rừng ngập mặn Cần Giờ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm khảo sát ảnh hưởng của hai loại thức ăn (cá tạp, thức ăn viên dành cho tôm) lên tỷ lệ sống, mức tăng trưởng và hiệu quả kinh tế trong nuôi cua từ con giống sinh sản nhân tạo; thử nghiệm xác định vùng nuôi, mùa vụ nuôi có hiệu quả và mật độ nuôi phù hợp cho các vùng trong nuôi cua thịt từ con giống sinh sản nhân tạo.
Kết quả cho thấy, nguồn cua giống sinh sản nhân tạo hoàn toàn có thể sử dụng để phát triển nuôi cua thịt (S. Paramamosain) tại các vùng nuôi trồng thủy sản của Cần Giờ. Trong điều kiện sinh thái tại Cần Giờ, có thể sử dụng thức ăn viên dành cho tôm để nuôi cua từ con giống sinh sản nhân tạo. Bước đầu ghi nhận hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) khi sử dụng thức ăn viên dành cho tôm để nuôi cua lần lượt là 1,32 ± 0,06; 1,54 ± 0,14 và 1,63 ± 0,17 tương ứng với mật độ nuôi 0,5; 01 và 02 con/m2. Trong cùng một vụ và nuôi với mật độ nuôi như nhau thì tỷ lệ sống, trọng lượng trung bình sau 138 ngày nuôi như nhau giữa các vùng.
Tỷ lệ sống và tăng trưởng của cua nuôi tỷ lệ nghịch với mật độ nuôi. Tỷ lệ sống và trọng lượng trung bình sau 138 ngày nuôi giảm khi tăng mật độ nuôi. Kết quả này đúng ở cả 3 vùng nuôi và trong cả 2 vụ thiết kế của đề tài. Tỷ lệ sống trung bình các lô thử nghiệm lần lượt là 68,1; 53,1 và 32,4% tương ứng với các mật độ 0,5; 01 và 02 con/m2. Trọng lượng trung bình sau 138 ngày nuôi các lô thử nghiệm lần lượt là 223,5; 207,5 và 184,4 g/con tương ứng với các mật độ 0,5; 01 và 02 con/m2. Khi tăng mật độ nuôi, mặc dù tỷ lệ sống và trọng lượng trung bình sau 138 ngày nuôi sẽ giảm nhưng năng suất tăng. Năng suất trung bình lần lượt là 0,72; 1,01 và 1,3 tấn/ha/vụ tương ứng với các mật độ 0,5; 01 và 02 con/m2.
Bước đầu ghi nhận, tại Cần Giờ, cua nuôi trong vụ 2 (từ tháng 10/2012 đến tháng 4/2013) có nhiều thuận lợi hơn, tỷ lệ sống cao hơn và năng suất trung bình bằng hoặc cao hơn so với vụ 1 (3/2012 – 9/2012). Năng suất trung bình vụ 1 và vụ 2 lần lượt là 0,7 và 0,8 tấn/ha/vụ (mật độ 0,5 con/m2); 0,9 và 1,1 tấn/ha/vụ (mật độ 01 con/m2). Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, mật độ nuôi 01 con/m2 trong vụ 2 là cho hiệu quả kinh tế cao nhất; nuôi trong vụ 1 thì mật độ 0,5 con/m2 có hiệu quả kinh tế nhất.
Kết quả đề tài cũng xác định các thông số kỹ thuật cần thiết cho nuôi cua từ con giống sinh sản nhân tạo và sử dụng thức ăn viên làm thức ăn khi nuôi tại Cần Giờ. Đề tài đã chuyển giao mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng quy trình nuôi cho nông dân tại Cần Giờ; xây dựng cẩm nang hướng dẫn kỹ thuật và phát miễn phí cho nông dân.
Các đề tài/dự án nghiệm thu trong quí 1/2014
VÂN NGUYỄN, STINFO Số 4/2014
Tải bài này về tại đây.