Chuyện gì sẽ xảy ra với các thiết bị điện - điện tử cũ không còn sử dụng?
Báo cáo năm 2011 của công ty nghiên cứu thị trường DisplaySearch cho thấy, vòng đời trung bình của một chiếc ti vi hiện nay đã rút ngắn đáng kinh ngạc, chỉ còn vài năm, so với 10-15 năm trước đây. Điều tương tự xảy ra ở nhiều sản phẩm điện-điện tử khác nữa như: điện thoại di động, màn hình máy tính, lò vi sóng, máy in,… Vòng đời càng ngắn, lượng sản phẩm bị thải bỏ càng nhiều. Cuối cùng, tất cả tập kết ở bãi rác, trở thành “chất thải điện tử” (CTĐT). Với 50 triệu tấn thải ra mỗi năm trên toàn thế giới, CTĐT đang là dòng chất thải rắn tăng trưởng nhanh nhất.
Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) định nghĩa:
“Chất thải điện tử” hay “thiết bị điện - điện tử thải” (electronic waste, e waste) là các sản phẩm dân dụng và công nghiệp không đáp ứng được mục đích sử dụng thiết kế, và các sản phẩm đã đến điểm cuối của vòng đời sử dụng.
Xử lý CTĐT là một vấn đề rất nóng hiện nay, bởi loại chất thải này tiềm ẩn cả hiểm họa lẫn cơ may. Xử lý đúng cách sẽ tác động mạnh mẽ đến giá trị gia tăng của sản phẩm, có lợi cho môi trường bởi hạn chế khai thác một lượng lớn kim loại quý nhờ tái chế. Trái lại, nếu xử lý không phù hợp, đây sẽ là một trong những yếu tố gây ô nhiễm đất, nước ngầm và bầu khí quyển trên quy mô lớn với tác hại khôn lường.
Có gì trong CTĐT?
Điều đầu tiên phải nói đến, đó là CTĐT rất độc! Loại chất thải này chứa nhiều thành phần gây ô nhiễm nghiêm trọng, cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường như: chì (Pb), cadmium (Cd), thủy ngân (Hg), các hợp chất của brom như: PBBs, PBDEs, asen (thạch tín), CFC, HCFC (có khả năng phá hủy tầng ozone)...
Mặt khác, ở khía cạnh tích cực, CTĐT thực sự là một “mỏ vàng” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bởi chứa nhiều vật liệu quý có thể thu hồi như: vàng, bạc, đồng, platin, niken… Đây là “dòng chất thải có khả năng tiềm tàng” nếu được xử lý và khai thác đúng cách. Ước tính, trong 1 tấn điện thoại di động có đến 150g vàng, gấp 10 lần lượng vàng trong 1 tấn quặng vàng, chưa kể đến 100kg đồng, 3kg bạc và nhiều kim loại khác. Bởi thế, không xử lý CTĐT đồng nghĩa với việc lãng phí nguồn tài nguyên cực lớn.
Vậy làm cách nào để khai thác triệt để lợi ích và giảm bớt mặt tiêu cực trong quá trình xử lý CTĐT?
Hãy nhớ: “Giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế - tiêu hủy”, là mô hình chung cho quản lý CTĐT.
• Giảm thiểu: giảm lượng CTĐT tích lũy bằng cách mua và sử dụng hợp lý. Mua những thiết bị bền, tốt để không phải thay thế thường xuyên.
• Tái sử dụng: phân loại, tận dụng lại cả sản phẩm hoặc một thành phần của sản phẩm.
• Tái chế: tận dụng lại các vật liệu cấu thành sản phẩm bằng cách thu gom, phân loại và xử lý theo yêu cầu để tạo ra sản phẩm mới
• Tiêu hủy: bao gồm đốt (có hoặc không có thu hồi năng lượng) và chôn lấp.
Trong mô hình quản lý này, các công nghệ xử lý CTĐT rất được quan tâm, đặc biệt là giai đoạn “tái chế”, vì không chỉ liên quan mật thiết với vấn đề môi trường mà còn mang lại siêu lợi nhuận.
Công nghệ tận dụng chất thải
Theo cơ sở dữ liệu tiếp cận được, có 391 sáng chế (SC) được đăng ký trong lĩnh vực xử lý CTĐT, tập trung ở các nước châu Á phát triển: Trung Quốc (111 SC), Nhật (95 SC) và Hàn Quốc (48 SC).
Từ 1977 - 1989, giai đoạn bắt đầu có những đăng ký SC về CTĐT, nhưng số lượng khá ít (18 SC). SC đầu tiên năm 1977 là của Nhật, đề cập đến việc thu hồi chì từ CTĐT. Thời gian đầu, Nhật luôn có nhiều SC xử lý CTĐT hơn các quốc gia còn lại. Mãi 13 năm sau, tức năm 1990, Trung Quốc mới có SC đăng ký đầu tiên, nhưng lượng SC nhanh chóng tăng vọt trong giai đoạn 2000 - 2011 (101 SC) và hiện đang giữ vị trí “đầu bảng”.
Trong 10 đơn vị dẫn đầu số lượng đăng ký SC trong lĩnh vực này, đa số có trụ sở tại Nhật Bản và Trung Quốc: có 4 công ty của Nhật (Matsushita, Hitachi, Mitsubishi, Toshiba), 4 của Trung Quốc (Gelinmei, Shenzhen Gem High-Tech, Jingmen, Shenzhen Green Eco Manufacture), 2 tổ chức còn lại của Anh và Úc.
Phân tích dữ liệu theo phân loại sáng chế quốc tế IPC, có 3 hướng nghiên cứu chính được quan tâm trong lĩnh vực xử lý CTĐT: thu hồi kim loại từ CTĐT (B09B), xử lý vật liệu có chứa titan (C22B) và phương pháp quản lý dữ liệu của hệ thống vận chuyển vật liệu (G06F). Trong đó, thu hồi kim loại từ CTĐT có nhiều SC nhất, và Matsushita cũng là công ty có nhiều SC về thu hồi kim loại (10 SC).
Cách biệt trong trình độ quản lý CTĐT trên thế giới
Tại “Chương trình báo cáo phân tích xu hướng công nghệ” tháng 7 do Trung tâm Thông tin KH&CN TP.HCM tổ chức với chuyên đề: “Công nghệ tái chế chất thải điện tử: hiện trạng và xu hướng”, Ts. Trần Minh Chí, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường (VITTEP) đưa ra một số nhận định về tình hình quản lý CTĐT tại khu vực châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam.
Theo đó, các nước châu Âu quản lý CTĐT rất chặt chẽ: có chính sách rõ ràng và nhận thức cộng đồng cao. Việc sử dụng hiệu quả các công cụ kiểm soát như: quản lý vòng đời sản phẩm, phân tích dòng vật chất, quy định trách nhiệm tăng cường của nhà sản xuất (EPR); nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (PPP)… phần nào giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho chính quyền, và phân chia trách nhiệm rõ ràng cho cả chính quyền, cộng đồng và nhà sản xuất.
Trong khi đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mức độ quản lý CTĐT có sự khác nhau rõ nét giữa nhóm quốc gia Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore... với nhóm quốc gia thứ hai gồm: Trung Quốc, Philippine, Campuchia, Lào, Việt Nam. Trong nhóm một, việc quản lý CTĐT rất nghiêm ngặt, công cụ pháp lý và tài chính được xây dựng theo hướng khuyến khích và kiểm soát tốt việc tái chế. Trong nhóm thứ hai, Trung Quốc phát triển nhất và vượt xa các quốc gia còn lại về công tác quản lý CTĐT.
Nghịch lý là tại các nước nhóm hai, nơi CTĐT thường bị vứt bỏ chứ không được xử lý, đại bộ phận người dân không đủ điều kiện tiếp cận sản phẩm công nghệ mới đắt đỏ nên thường sử dụng hàng đã qua sử dụng “second-hand”, vô hình chung lại trở thành nơi tiêu thụ lượng rác điện tử khổng lồ đổ về từ các quốc gia phát triển. Do đó, lượng chất thải từ châu Á đang gia tăng với tốc độ rất cao, đặc biệt là Trung Quốc, thị trường sinh ra nhiều chất thải công nghiệp nhất thế giới và cũng là “bãi rác thải điện tử” lớn nhất. CTĐT tại Việt Nam, Thái Lan và Malaysia cũng có xu hướng tăng nhanh.
Quản lý CTĐT tại Việt Nam còn nhiều nỗi lo
Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy lượng CTĐT đang gia tăng rất nhanh do nhu cầu đổi mới thiết bị và mức sống của người dân được nâng cao. Theo thống kê của Viện Công nghệ Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, mỗi năm, nước ta thải ra khoảng 120.000 - 150.000 thiết bị điện-điện tử gia dụng, 200.000 - 300.000 máy vi tính có vòng đời sử dụng ngắn (từ 1-2 năm), và nhập khẩu hàng triệu sản phẩm cũ khác. Riêng TP.HCM, tập trung hai nguồn CTĐT lớn, từ các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và nhập khẩu trái phép từ Campuchia. Lượng hàng điện - điện tử tại TP. HCM lên đến 6.140 tấn/năm (bao gồm cả hàng “second-hand”), nhưng chỉ tái chế CTĐT được chừng 98 tấn (1,6%) và hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
Do Việt Nam chưa có công nghệ thu hồi và tái chế, nên hơn 90% lượng CTĐT được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ưu điểm trước mắt là hạn chế ô nhiễm xảy ra, nhưng về lâu dài sẽ gây lãng phí và hao hụt tài nguyên rất lớn.
Trước sức ép của việc gia tăng CTĐT, năm 2006, mô hình “Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải: 3R-HN” do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ đã triển khai tại Hà Nội. Dù thử nghiệm khá thành công, nhưng khi áp dụng cho các nơi khác như TP.HCM thì gặp trở ngại do nhận thức người dân chưa cao, thiếu kinh phí đầu tư thiết bị, cơ sở hạ tầng kém, nhà sản xuất và phân phối, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm nhiều đến vấn đề môi trường.
Để khắc phục, việc hoàn thiện các văn bản pháp luật là bước đầu để có được chính sách quản lý hiệu quả. Sở KH&CN TP.HCM đã kết hợp với Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường nghiên cứu đề tài: “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý tổng hợp hoạt động thu gom, vận chuyển, tái chế và tiêu hủy đồ dùng điện - điện tử thải tại TP.HCM”, từ đó đề xuất một số chính sách quản lý đối với CTĐT. Theo Ths. Nguyễn Văn Sơn (VITTEP), “Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý một số sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ” do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đang chờ phê duyệt trong năm 2013, tập trung vào 2 nhóm sản phẩm: pin-ắc quy và thiết bị điện-điện tử. Dự thảo này được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho công nghệ quản lý CTĐT tại nước ta phát triển.
Nhật Anh, STINFO Số 10/2012.
Bài viết được thực hiện trên cơ sở tham khảo tài liệu Chương trình “Phân tích xu hướng công nghệ” tháng 7/2012 tại Trung tâm Thông tin Khoa học & Công nghệ Tp.HCM (CESTI) với chuyên đề “Công nghệ tái chế CTĐT: hiện trạng và xu hướng”.
Xem thêm: