Hội nghị quốc tế về công nghệ vi mạch
25/09/2012
Không gian công nghệ
Khu công nghệ cao TP.HCM
Khu Không gian khoa học Khu nghệ cao - Nơi khơi nguồn sáng tạo
Từ ngày 22-24/8/2012, Khu Công nghệ cao Tp. HCM (SHTP) và Đại học Quốc gia đã phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế về công nghệ vi mạch 4S-2012 (Solid-State Systems Symposium) - Kỷ niệm 10 năm thành lập SHTP. Tham dự Hội nghị có trên 250 đại biểu các sở, ngành, các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực vi mạch. Đặc biệt có hơn 50 giáo sư nổi tiếng về lĩnh vực thiết kế và chế tạo vi mạch đến từ Nhật, Mỹ, Na Uy, Thụy Sỹ, Hàn Quốc... Hội nghị là diễn đàn chung cho các nhà khoa học về vi mạch trong nước giới thiệu kết quả nghiên cứu, giao lưu với các nhà khoa học trên thế giới để hội nhập và nâng cao trình độ nghiên cứu trong nước. Đồng thời, hội nghị cũng là dịp để trao đổi tình hình thiết kế, chế tạo vi mạch và định hướng cho ngành công nghiệp vi mạch của nước nhà.
22/8/2012 là ngày đầu tiên của Hội nghị được tổ chức tại SHTP với nội dung “Diễn đàn quốc tế về phát triển vi mạch điện tử”. Hội nghị đã nghe báo cáo tham luận của các chuyên gia: TS. Dương Minh Tâm - Phó trưởng ban Ban Quản lý SHTP với bài tham luận “Sự cần thiết chế tạo linh kiện, vi cơ-điện tử (MEMS) tạo nền tảng cho công nghiệp cơ khí tại SHTP”; GS.TS. Yasushi Nanishi - Hội Vật lý ứng dụng - Nhật Bản và Đại học Ritsumeikan với bài tham luận “Nghiên cứu tiên phong về chất bán dẫn nitride hướng đến các ứng dụng cho bước sóng dài và tốc độ cao”; TS. Nguyễn Anh Thi - Phó ban KH&CN, Đại học Quốc Gia Tp.HCM với bài tham luận “Báo cáo 10 năm hợp tác giữa Đại học Quốc Gia Tp.HCM và SHTP” và GS.TS. Philippe Durouchoux - CEC, Innovation, Cộng hòa Pháp với bài tham luận “Xu hướng phát triển toàn cầu về khoa học và công nghệ”.
Kết thúc phiên buổi sáng, các đại biểu tham dự Hội nghị đã tham quan khuôn viên SHTP và các phòng thí nghiệm của Trung tâm R&D; tham quan các trường, viện nghiên cứu của Đại học Quốc Gia Tp.HCM.
Trong hai ngày tiếp theo, Hội nghị khoa học diễn ra tại khách sạn Majestic. Một trong những điểm nổi bật của Hội nghị là Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Tp.HCM đã được Lãnh đạo Thành phố thống nhất thực hiện với mục tiêu đến năm 2017, ngành vi mạch sẽ đạt 100 đến 150 triệu USD. Đến thời điểm này, dự kiến đào tạo được 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên chuyên ngành vi mạch - điện tử, cũng như ươm tạo được trên 30 doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực này.
Các đại biểu tham dự hội nghị nhận định rằng, khi Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Tp.HCM được triển khai thực hiện sẽ góp phần giảm nhập siêu cho nền kinh tế; nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm cơ điện tử Việt Nam ít nhất từ 20% trở lên, góp phần đưa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu các sản phẩm điện tử thiết yếu cho đời sống. Một trong các nhiệm vụ hàng đầu cần giải quyết ưu tiên cho Chương trình vi mạch điện tử hiện đại Việt Nam chính là các chỉ tiêu đào tạo nhân lực đủ về số lượng và đạt về chất lượng cho nền công nghiệp nước ta.
Hồng Cẩm - Minh Tâm, STINFO Số 9/2012.