Tiếp nối hàng loạt các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường như nhà vệ sinh (NVS) tự động công cộng, hệ thống xử lý nước thải bệnh viện…, nhà sáng chế Phan Trí Dũng (Cty CP Khoa học công nghệ Petech, TP.HCM) vừa chuyển giao ứng dụng thành công sản phẩm mới nhất: NVS công nghệ cao không tốn điện nước. Ngoài các chức năng tự động dội, làm sạch bệ cầu, khử trùng và khử mùi…, NVS với ưu điểm vượt trội là không cần cấp nước, không cần cấp điện, và nhất là không cần hệ thống thoát nước đô thị, được xem là hiện đại nhất hiện nay.
KS. Dũng cho biết, kể từ năm 2000, những module NVS công cộng thông minh đầu tiên đã ra đời và sử dụng thử nghiệm đạt hiệu quả tốt. Qua suốt 9 năm trải nghiệm, bổ sung công năng, hoàn thiện sản phẩm, đến nay, NVS công cộng tự động của Petech đã khẳng định được chất lượng - hiệu quả và đạt cấp độ công nghệ cao. NVS không tốn điện nước là một bước ngoặt mới của Petech trong lĩnh vực sản phẩm NVS thông minh bởi nó đã giải quyết được vấn đề then chốt là nước dội cầu cho NVS công cộng. Trên thế giới, NVS không cần cấp điện nước đã được sử dụng khá phổ biến nhưng tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên được nghiên cứu chế tạo và ứng dụng thành công. Với những địa hình như các công trình đình, đền, di tích văn hóa, di tích lịch sử quốc gia, di sản thiên nhiên... không cho phép đào đường để lắp đặt hệ thống cấp điện, cấp nước … cho NVS thì sản phẩm này mang một ý nghĩa rất lớn.
NVS thông minh không tốn điện nước được phát triển từ công trình NVS tự động trên tàu hỏa, gồm bể tự hoại Biofast và bồn cầu công nghệ cao không cần dùng nước dội cầu. Ở NVS công nghệ cũ, thường là sử dụng con thỏ cổ cong (bình thông nhau) để ngăn mùi hôi, còn gọi là đóng bằng nước (WC- water close). Khuyết điểm của nó là cần nhiều nước để tạo ra động năng đẩy chất thải xuống bể phốt. Một lần gạt nút dội cầu sẽ tốn khoảng 6-10 lít nước. Trong khi bồn cầu công nghệ cao được sáng chế độc đáo với nắp trọng lực (nắp ngăn mùi) thay cho con thỏ cổ cong, kết hợp với chất tạo bọt là một loại dung dịch (gel của Hàn Quốc có giá 1 USD/lít) có độ trơn và máy phun tạo bọt sẽ giúp ngăn mùi triệt để mà không cần dùng nước dội cầu. Chất thải sẽ được đẩy xuống qua nắp trọng lực rất nhạy cùng độ trơn của bọt. Một ngày NVS này chỉ tiêu tốn 1 lít nước hòa trộn với gel để tạo bọt phủ kín nắp trọng lực, giúp chống dính và ngăn mùi hôi. Bồn cầu đặc biệt này chính là giải pháp công nghệ giúp NVS không cần sử dụng hệ thống cấp nước. Qua thử nghiệm, mỗi lần dội chỉ cần 50 ml nước (nước để tạo bọt).
Mái (bằng kính) của NVS có kích thước 2m x 2m = 4m2. Với lượng mưa trung bình chỉ cần 900mm/năm, thì ta có: 900mm x 4m2 = 3,6 m3. Lượng nước này đủ dội NVS trong 2 năm (730 ngày), tần suất sử dụng 100 lượt/ngày. Các thùng chứa nước mưa làm bằng Inox (2000 x 1500 x 100mm). Ba thùng ghép lại, tạo thành vách của NVS.
Để không cần hệ thống cấp điện, NVS này sử dụng 4 tấm pin năng lượng mặt trời, ghép lại thành mái hứng nước mưa của nhà vệ sinh (2m x 2m). Độ nghiêng của “mái solar cell” điều chỉnh được, tùy theo vĩ độ của điểm đặt NVS. Công suất tối thiểu của Solar cell là 400 Watt peak. Hệ thống accu 24V/200AH, đủ dùng cho 1 tuần không có nắng.
Bể tự hoại thông minh biofast (xử lý vi sinh – ozone – chlorine) chính là bí quyết giúp NVS này không cần đến hệ thống thoát nước đô thị. Ở đầu xả nước (đã được khử mùi và khử trùng), sẽ được một bơm nhỏ bơm lên buồng bốc hơi, đặt trên nóc (phía sau) của NVS. Tại đây, nước sẽ được bốc hơi rất nhanh nhờ cấu trúc đầu phun đặc biệt và có gia nhiệt nhờ hấp thụ ánh sáng mặt trời (cấu tạo buồng phun bằng kính màu đen). Qua thử nghiệm, buồng phun 2m x 0,4m x 0,2m, mỗi ngày bốc hơi được từ 10 lít đến 20 lít (tùy nắng ít/nhiều). Tương đương lượng nước thải của 100 đến 200 lượt sử dụng (0,10 lít/dội tiêu và 0,05 lít/ dội tiểu). Phần bể biofast chỉ giữ lại phần đặc của chất thải (cellulose, protein,…) và được vi sinh phân hủy tiếp tục. Qua thực tế ứng dụng và tính toán, sau 20 năm mới phải xử lý “tro” của bể biofast một lần. KS. Dũng cho biết, bể tự hoại biofast đã được ứng dụng thành công cùng với hệ thống NVS thông minh trên tàu lửa với mấu chốt công nghệ là các quá trình xử lý tự động bằng kỹ thuật điện tử, nhằm đạt chỉ tiêu bảo vệ môi trường ở mức tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới.
Biofast (2009) có được 2 tính năng ưu việt: Không có mùi hôi; nước thải và khí thải không mùi và tiệt trùng. Ngoài ra, việc vận hành hoàn toàn tự động, việc lắp đặt cũng nhanh gọn, đơn giản và tiết kiệm chi phí… Kích thước NVS cũng rất linh hoạt, có thể tùy vào từng địa hình và mục đích sử dụng.
Như vậy, có thể xem NVS thông minh không tốn điện nước là sản phẩm kết hợp hoàn hảo những tính năng ưu việt của các sản phẩm trước đây Petech đã thực hiện. Nó như một minh chứng cho việc luôn hướng đến những giải pháp công nghệ hiện đại nhất, góp phần phát triển đô thị văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường của các nhà sáng chế Petech. KS. Dũng chia sẻ, rất sẵn lòng hợp tác ứng dụng công nghệ NVS không tốn nước này cho những công trình đang gặp khó khăn về nước ngọt dội cầu cho NVS (ví dụ như các công trình biển - đảo, công trình ở vùng núi đá,…). Hiện NVS không tốn nước này đang được Petech lắp đặt chuyển giao ở nhiều nơi như: NVS công cộng cho công trình Ngàn năm Thăng Long (Hà Nội, hợp đồng với Công ty Newtatco); lắp đặt phục vụ khách du lịch tại các khu du lịch như Thác Bản Giốc, hang Pắc Pó (Cao Bằng – với địa hình vách núi đá hiểm trở); tàu kinh doanh dịch vụ nhà hàng khách sạn (trên vịnh Hạ Long) của Công ty Dịch vụ Du lịch Đường sắt… Một module được lắp đặt hoàn chỉnh có giá từ 30.000 USD – 50.000 USD. Ngoài ra, sản phẩm này cũng đã giải quyết được tình trạng khó khăn về NVS mà các hộ dân ở những khu phố cổ (Hà Nội) đang gặp phải. Petech đã và đang triển khai lắp đặt cho các hộ dân nơi đây với chi phí khoảng 19 triệu đồng. KS. Dũng cho biết thêm, Petech cũng đang hướng tới xuất khẩu sản phẩm này sang Úc và một số nước Đông Âu.
Vân Nguyễn