SpStinet - vwpChiTiet

 

Hội nghị đánh giá công tác xúc tiến đầu tư và hoạt động doanh nghiệp khu công nghệ cao sau 10 năm triển khai.

 SHTP - 10 năm đồng hành cùng doanh nghiệp.


Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Tp. HCM tại Thông báo số 300-TB/TU ngày 29/3/2012, đồng thời thực hiện kế hoạch hướng đến kỷ niệm 10 năm thành lập SHTP (24/10/2002 - 24/10/2012); ngày 11/6/2012, Ban Quản lý SHTP đã tổ chức hội nghị “Đánh giá 10 năm công tác xúc tiến đầu tư và hoạt động doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao Tp.HCM” với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, sở ngành có liên quan. Tại Hội nghị, các đại biểu đã góp ý sôi nổi các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua và thảo luận các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất và nghiên cứu phát triển, nâng cao giá trị gia tăng.
 

Từ thực tiễn 10 năm triển khai dự án SHTP, Bà Lê Bích Loan - Phó Trưởng ban Ban Quản lý SHTP đã báo cáo với Hội nghị về các kết quả đạt được, phân tích những nguyên nhân làm hạn chế kết quả của công tác xúc tiến đầu tư và hoạt động doanh nghiệp trong SHTP, trong đó nhấn mạnh nguyên nhân chưa sẵn sàng về đất và hạ tầng kỹ thuật cũng như chưa đầu tư tốt hạ tầng xã hội, tình trạng chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhà đầu tư.
 

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tham luận về “Các giải pháp xúc tiến đầu tư có hiệu quả của Thành phố nói chung và định hướng thị trường xúc tiến đầu tư vào KCNC năm 2012”. Trong đó, ông Minh đã nhấn mạnh vấn đề địa điểm để đầu tư và tay nghề, trình độ lao động sẽ là hai yếu tố then chốt của công tác xúc tiến đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, khi mà các cơ chế chính sách giữa các KCNC, khu công nghiệp (KCN) gần như là không có sự khác biệt. Theo ông, “Thành phố cần nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất trên cơ sở thống kê rà soát quỹ đất với từng thông số chỉ tiêu cụ thể, công bố rộng rãi quy hoạch, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, Thành phố cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ cho người lao động và giải quyết tốt vấn đề tranh chấp lao động. Nâng cấp đầu tư hệ thống các trường đào tạo nghề hiện có lên ngang tầm khu vực, phát triển thêm các trường đào tạo nghề và trung tâm đào tạo từ các nguồn vốn khác nhau. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thông qua việc cho vay đi học với lãi suất ưu đãi, trả chậm…”.
 


 

 

Bên cạnh đó, ông Vũ Văn Hòa - Trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN Tp.HCM cũng trình bày tham luận về “Cơ chế chính sách để thu hút đầu tư CNC trong KCX-KCN”. Trong đó, ông Hòa đã nêu ra những giải pháp thiết thực để thu hút đầu tư, phát triển KCNC có sức lan tỏa đối với các KCN khác trong chuyển dịch cơ cấu để trở thành KCNC như: Thúc đẩy nhanh hơn nữa thủ tục xác nhận các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn CNC theo hướng đơn giản hóa, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư thuộc lĩnh vực CNC; Tạo sự kết nối chặt chẽ giữa KCNC và các KCX-KCN, qua đó các kết quả nghiên cứu phát triển, việc chuyển giao công nghệ, các tiêu chuẩn kỹ thuật, nhu cầu của doanh nghiệp của Khu CNC sẽ là tiền đề cho việc đầu tư của các doanh nghiệp KCX-KCN…
 

Về phía các nhà đầu tư cũng đã góp ý nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong KCNC liên quan đến các cơ chế chính sách như rút ngắn các thủ tục hải quan, thủ tục hoàn thuế, thủ tục miễn thuế nhập khẩu linh kiện, đẩy mạnh dịch vụ chuỗi cung ứng hỗ trợ cho doanh nghiệp theo hướng tăng tỷ lệ nội địa hóa một cách ổn định, chất lượng và tốt nhất về giá cả để doanh nghiệp có thể tham gia vào thị trường, hạn chế nhập khẩu để giảm giá thành sản phẩm… Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng góp ý cần cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và cải cách hành chính như quy chế một cửa, dịch vụ cung cấp điện, nước, viễn thông, bảo vệ… trong KCNC; và các chính sách hỗ trợ khác như giảm, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất, miễn trừ thuế trong những năm đầu của dự án…
 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Nguyễn Văn Lạng đã đánh giá tốt hiệu quả hoạt động của SHTP, xác định đây là một trong 3 KCNC trọng điểm của quốc gia. Ông Lạng nhận định rằng cả 3 KCNC hiện nay đều có những điểm vướng giống nhau. Do khái niệm về “CNC” chưa rõ ràng nên dẫn đến các cơ chế chính sách còn chung chung, chưa có đặc thù riêng, đặc biệt là các chính sách cho đầu tư hạ tầng, thuế và các ưu đãi cho các nhà khoa học… Từ thực tiễn này Chính phủ đã giao Bộ KH&CN chủ trì cùng các Bộ khẩn trương nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi cho các KCNC, trình Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là một “cú hích” tạo đà cho các KCNC phát triển tăng tốc, hướng đến mô hình khu đô thị khoa học hiện đại ngang bằng với các KCNC của thế giới.
 

Ông Lê Hoài Quốc – Trưởng ban Quản lý SHTP đã tiếp thu các đánh giá và phân tích đã nêu tại Hội nghị. Ban Quản lý SHTP sẽ tiếp tục có những đề xuất với Thành phố và Trung ương về các cơ chế chính sách giúp doanh nghiệp CNC hoạt động hiệu quả hơn. Ban Quản lý cũng đã xây dựng và sẽ duy trì nhiều kênh thông tin giúp các doanh nghiệp có thể góp ý cho hoạt động của Ban Quản lý như trên trang web của SHTP, trên màn hình cảm ứng tại Văn phòng Ban Quản lý, cũng như Ban Quản lý có kế hoạch gặp gỡ doanh nghiệp định kỳ vào chiều thứ sáu hàng tuần.
 

Ban Quản lý cam kết nỗ lực cải thiện nhanh chóng các vấn đề đã được góp ý, đẩy nhanh các dự án hạ tầng xã hội để tạo môi trường tốt hơn cho thu hút đầu tư và hoạt động doanh nghiệp trong thời gian tới.
 

THANH UYÊN, STINFO Số 7/2012.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả